Mặc dù một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với đầy đủ các cấu phần đã hình thành ở Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn những điểm tồn tại cần giải quyết để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp như Isarel hay Singapore.

Mô hình chính sách từ Israel và Singapore

Từ lâu, các nguồn hỗ trợ của chính phủ vẫn luôn là một trong những mục tiêu săn tìm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dù khá cởi mở nhưng cơ chế chính sách hiện nay khiến việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ này đều rất khó khăn, hầu hết họ mới chỉ được thụ hưởng một số khóa hỗ trợ đào tạo, tư vấn kết nối... Hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp vẫn chưa nhiều, chủ yếu thông qua các quỹ hiện hành như NATIF hay SMEDF.

Gian hàng tham gia triển lãm tại TechFest Đông Nam Bộ 2020. Ảnh: vtv.vn

Ở giai đoạn ươm mầm, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần nhiều vốn đầu tư nhất bởi khi ấy doanh nghiệp còn non trẻ, khó tiếp cận được các ngân hàng thương mại trong khi đa số nhà đầu tư chưa muốn tham gia vì doanh nghiệp lúc này chỉ có chi không có thu. Tại hội thảo “Kết nối mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách về khởi nghiệp sáng tạo” diễn ra ngày 11/7 vừa qua, PGS.TS Trần Chí Thiện – Trường Kinh tế và Quản trị kinh doanh, ĐH Thái Nguyên, cho rằng, nếu có được chính sách tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, Việt Nam có thể một mũi tên trúng bốn đích. Đó là hỗ trợ được vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là giai đoạn khởi đầu; Thu hút thêm được nguồn vốn lớn từ tư nhân cho khởi nghiệp; Tận dụng được kiến thức kinh nghiệm cho các nhà đầu tư tư nhân cho phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp; Cho phép nhà nước tác động vào tiến trình khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp và giảm bớt được rủi ro cho nguồn vốn của nhà nước.

Dẫn chứng trường hợp của các quốc gia khởi nghiệp như Israel hay Singapore mới thấy, không phải tự nhiên các đất nước này có thể phát triển mạnh mẽ như thế nhờ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ các nước về cơ bản đều rất mạnh dạn đầu tư và có được chiến lược về nguồn vốn đúng đắn bởi họ hiểu rằng, “tài chính sẽ là động lực cho sự ra đời của các ý tưởng được thử nghiệm và đưa vào thực tiễn, sinh ra lợi nhuận”, ông nói. Bởi vậy năm 1993, khi khởi nghiệp vẫn chỉ là khái niệm chưa mấy thông dụng trên thế giới thì Chính phủ Israel đã đầu tư 100 triệu USD vào tổ chức đầu tư mạo hiểm tư nhân Yozma. Chỉ hai năm sau, từ tiền nhận được của các quỹ tư nhân, quỹ này mở ra thêm 10 quỹ con, mỗi quỹ có khoảng 20 triệu USD tiền vốn và tạo ra được mạng lưới các vườn ươm công nghệ trải khắp đất nước này. Sự lớn mạnh đó khiến quỹ đầu tư của Israel không bỏ sót bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng nào.

Không chỉ vậy theo TS. Trần Đức Thiện, quỹ cũng trực tiếp cử các giám đốc điều hành tham gia vào hội đồng quản trị vào doanh nghiệp họ góp vốn, hỗ trợ tuyển dụng nhân sự tài năng giúp công ty phát triển và hỗ trợ mở văn phòng đại diện ở nước ngoài cho doanh nghiệp. “Không chỉ đầu tư tiền, sự tham gia sâu rộng như vậy đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp. Suốt hơn 2 thập kỷ qua, Yozma đã trở thành trụ cột trong thị trường đầu tư mạo hiểm vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Israel” – ông Thiện nói.

Trong khi đó, Singapore lại triển khai theo hình thức khác, chính phủ đầu tư đối ứng cùng với tư nhân để kích thích thu hút nguồn vốn cũng như giảm thiểu rủi ro. Theo TS. Thiện, chính phủ đồng tài trợ với các nhà đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu. Chương trình đầu tư góp vốn khởi nghiệp chỉ định một công ty tư nhân để quản lý quỹ đầu tư. Theo đó, chính phủ cùng đầu tư với các nhà đầu tư tư nhận theo tỷ lệ 7:3 (70% từ chính phủ, 30% từ nhà đầu tư tư nhân), trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhận số vốn tới 250.000 đô la Sing (SGD) cho công nghệ thông dụng và 500.000 SGD cho doanh nghiệp với công nghệ tiên tiến. Với tỷ lệ đối ứng là 1:1 thì doanh nghiệp có thể nhận tới 2 triệu SGD với công nghệ thông dụng và 4 triệu SGD với công nghệ tiên tiến. Trong đó, chính phủ chỉ thu về 30% lợi nhuận, số còn lại chuyển cho nhà đầu tư tư nhân.

Các thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ tham quan, trao đổi về các mô hình kinh doanh khởi nghiệp.Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Những mô hình thành công này được PGS.TS Trần Chí Thiện cho rằng, mô hình là gợi ý cho Việt Nam trong việc lựa chọn hợp tác tài chính giữa chính phủ đầu tư theo mô hình Yozma của Israel. TS. Thiện nói: “Các quỹ đầu tư của chính phủ có thể hợp tác với các quỹ đầu tư tư nhân theo tỷ lệ đối ứng tùy theo mức độ rủi ro của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ có thể thuê các tổ chức tư nhân quản lý các quỹ đầu tư của chính phủ như kinh nghiệm rất thành công của Singapore hay Israel. Vì các tổ chức tư nhân thường đầu tư hiệu quả hơn tổ chức công”.

Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị, chính phủ cần xây dựng các quỹ đầu tư đặc thù với các điều khoản ưu đãi hơn ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.

Mô hình vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp

Khi đã giải quyết được vấn đề về tài chính, thì việc tiếp theo mà giới chuyên gia cho rằng cần phải hành động phù hợp là tìm kiếm được mô hình vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp cho đúng với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam. Để làm được điều này, ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB), trực thuộc Sở KH&CN Thành Phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải tiến hành đo lường để biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam so với các nước khác thế nào, điểm mạnh, điểm yếu mà có chính sách phù hợp.

“Việc này được TP.HCM tiến hành hằng năm để đo lường các tiêu chí và có giải pháp khắc phục kịp thời” – ông Huỳnh Kim Tước nói. Một những vấn đề mà TP.HCM nhìn thấy là việc chỉ số giáo dục sáng tạo trong trường phổ thông và kiến thức kinh doanh ở bậc đại học còn thấp. Để đẩy mạnh điều này, TP.HCM đã đưa chương trình STEM vào giáo dục phổ thông từ năm 2016.

Hay kết quả đo lường cho thấy văn hóa khởi nghiệp ở TP.HCM rất mạnh. Các tỉnh khác bày tỏ cũng muốn gia tăng chỉ số này và họ thường được tư vấn rằng phải làm “truyền thông”. Ông Huỳnh Kim Tước gạt đi vào cho rằng, không nên dùng thuật ngữ này một cách đơn thuần, bởi để có được văn hóa khởi nghiệp, thực tế TP.HCM đã phải phát triển 9 chỉ số khác. “Nếu không đo lường, kế hoạch sẽ được lập một cách duy ý chí và có thể giống nhau từ năm này qua năm khác. Cái nguy hiểm hơn, chúng ta không biết những kế hoạch đó dẫn mình đến đâu. Trong khi đó, nếu được lượng hóa, chúng ta sẽ nhìn thấy tác động rõ rệt của các giải pháp chính sách” – ông Tước nói.

Một tác dụng khác của việc đo lường là những nhà quản lý định vị được hệ sinh thái khởi nghiệp đang ở vị trí nào và có chính sách phù hợp cho mục tiêu ở giai đoạn tiếp theo. “Đơn cử như hệ sinh thái khởi nghiệp ở TP.HCM, sau khi hoàn thành bước đầu tiên là hình thành một hệ sinh thái với đầy đủ các cấu phần, chúng tôi định vị bước tiếp theo là chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế trong ba năm tiếp theo” – ông Huỳnh Kim Tước nói. Với mục tiêu đó, tất cả các chính sách của giai đoạn kế tiếp đều tập trung để đạt mục tiêu này. Kết quả là, TP.HCM chỉ mất 1,5 năm để đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong giai đoạn này, TP.HCM đang định vị trở thành điểm kết nối các địa phương với quốc tế, mà điển hình là sang Singapore thông qua mạng lưới Liên minh Đổi mới sáng tạo toàn cầu Singapore tại TP.HCM. Vào năm 2019, thông qua một loạt các ký kết quan trọng giữa Quỹ Quest Ventures, Sihub, người Singapore đã thể hiện mối quan tâm rất lớn đến thị trường khởi nghiệp Việt Nam.

Do đó, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cuộc chơi toàn cầu và mỗi hệ sinh thái cần phải hiểu rõ mình có ưu thế gì để hấp dẫn các vệ tinh xung quanh. Điều này không chỉ đúng với hệ sinh thái của một quốc gia mà còn đúng với các địa phương, trường đại học. Theo đó, mỗi đơn vị cần có chiến lược tạo ra ưu thế riêng và tự trả lời câu hỏi “3-5 năm tới, hệ sinh thái của mình cung cấp được gì cho thị trường và ở cấp độ nào. Sản phẩm của hệ sinh thái là loại hàng hóa nào và nằm ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

“Nếu chúng ta có thị trường và sản phẩm tốt thì sẽ thành công” – ông Huỳnh Kim Tước nhấn mạnh.

Các quỹ đầu tư của chính phủ có thể hợp tác với các quỹ đầu tư tư nhân theo tỷ lệ đối ứng tùy theo mức độ rủi ro của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ có thể thuê các tổ chức tư nhân quản lý các quỹ đầu tư của chính phủ như kinh nghiệm rất thành công của Singapore hay Israel. Vì các tổ chức tư nhân thường đầu tư hiệu quả hơn tổ chức công.

PGS.TS Trần Chí Thiện