Một nghiên cứu mới công bố của Ngân hàng Thế giới thống kê mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 3,9 triệu tấn nhựa nhưng lại chỉ tái chế 1/3. Cụ thể, trong số 3,9 triệu tấn nhựa tiêu thụ mỗi năm, chỉ có 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế.
Hiện mới có 25% tổng giá trị vật liệu nhựa, tương đương 872 triệu USD, được giải phóng hàng năm (tính theo tỷ lệ tái chế 33% và thu hồi được 77% giá trị từ tái chế nhựa). Số lượng nhựa bị thải loại vẫn còn 75% giá trị vật liệu tiềm tàng, tương đương lãng phí 2,2 đến 2,9 tỷ USD giá trị vật liệu tiềm tàng từ tái chế mỗi năm.
Báo cáo khuyến nghị, có thể tận dụng được cơ hội thị trường tiềm năng này nhờ các khoản đầu tư lớn của khu vực nhà nước và tư nhân để cải thiện việc thu gom/phân loại chất thải, tạo lập môi trường thuận lợi để cải thiện hiệu quả kinh tế của tái chế. Kinh tế của tái chế cũng giúp phát triển thị trường nội địa cho vật liệu thứ cấp, và tận dụng lao động ở khu vực phi chính thức ở Việt Nam. Ước tính, nếu tất cả các loại nhựa PET, HDPE, LDPE, và PP sử dụng ở Việt Nam được thu gom và tái chế thành các sản phẩm tái chế có giá trị, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.
Bảo Như