Tăng cường liên kết giữa bệnh viện, trường đại học, doanh nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn cho sản phẩm tế bào gốc (TBG); nghiên cứu công nghệ nền là những vấn đề cần thực hiện trong việc triển khai Chương trình khoa học công nghệ về nghiên cứu, ứng dụng TBG tại TPHCM.
Đó là ý kiến của các nhà khoa học, quản lý đến từ các trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp tại Hội thảo “Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) mục tiêu về nghiên cứu và ứng dụng TBG tại TPHCM” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 13/10.
Để xây dựng các chương trình sản phẩm mục tiêu KH&CN cho thành phố, Sở KH&CN TPHCM đã đặt hàng Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đề xuất Chương trình “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất TBG phục vụ điều trị một số bệnh phổ biến tại TPHCM giai đoạn 2017 – 2020”.
Mục tiêu của Chương trình là xây dựng thành công chương trình TBG máu dây rốn cộng đồng; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất TBG trung mô từ dây rốn, tủy xương, mô mỡ, đáp ứng các yêu cầu về ghép lâm sàng; nghiên cứu chế tạo và sản xuất quy mô thử nghiệm các sản phẩm chứa TBG và chứa các chất từ TBG; thử nghiệm lâm sang một số sản phẩm được sản xuất trong Chương trình này để điều trị các bệnh phổ biến như tắc nghẽn phổi mãn tính, đái tháo đường, viêm gan, ung thư,…
Phạm vi thực hiện Chương trình là các cơ sở, đơn vị có nghiên cứu, ứng dụng TBG trên địa bàn TPHCM. Đối tượng thực hiện là các phòng thí nghiệm, các công ty, bệnh viện có hoạt động nghiên cứu ứng dụng TBG trong ba năm trở lại đây, có đủ năng lực thực hiện các dự án.
Với thời gian thực hiện 5 năm từ 2018 – 2022, Chương trình này dự kiến có 4 dự án thành phần: Xây dựng chương trình TBG máu dây rốn cộng đồng phục vụ cho điều trị bệnh; Nghiên cứu phát triển công nghệ TBG “off-the-shelf” (sử dụng trực tiếp) ứng dụng trong chế tạo các sản phẩm thuốc và mỹ phẩm dựa vào TBG; Sản xuất quy mô thử một số sản phẩm chứa TBG và từ TBG phục vụ điều trị bệnh và chống lão hóa theo hướng dẫn GMP; Thử nghiệm lâm sàng một số sản phẩm được sản xuất trong nước nhằm điều trị các bệnh phổ biến.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc - Viện trưởng Viện TBG TPHCM, người trực tiếp xây dựng Chương trình cho biết, hiện nay nhu cầu về chữa bệnh cũng như thẩm mỹ có sử dụng TBG của người dân ngày một tăng cao. Vì vậy, thành phố nên đầu tư cho Chương trình KH&CN mục tiêu về nghiên cứu và ứng dụng TBG, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân TPHCM và cả nước. Đồng thời, nâng cao năng lực về KH&CN, khám chữa bệnh cho người dân của các đơn vị nghiên cứu và ứng dụng TBG trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, việc xây dựng và thực hiện Chương trình cần tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận, học hỏi những kết quả nghiên cứu mà thế giới đã thực hiện, nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước. Đồng thời, phải nghiên cứu ra được những sản phẩm tốt, có tiềm năng thương mại hóa. Sở KH&CN TPHCM sẽ đẩy mạnh kết nối để các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện Chương trình khi được UBND TPHCM thông qua.
Kiều Anh