Đó là ý kiến của chuyên gia Úc tại Hội thảo “Giáo dục thông minh tại TPHCM” do UBND TPHCM tổ chức ngày 20/12.


Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia giáo dục
Hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia giáo dục. Ảnh: KA

Ông Anthony Francis Brandenburg, chuyên gia giáo dục Úc, cho rằng, nền giáo dục thông minh hướng tới: Trang bị các thiết bị và phần mềm, ứng dụng CNTT, ứng dụng các thành quả của CMCN 4.0 và các giải pháp đồng bộ trong quản lý, giảng dạy và học tập; Hệ thống kết nối Internet và học tập trực tuyến, trực tiếp tới các nguồn học liệu điện tử tiêu chuẩn quốc tế; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh có một môi trường tương tác để quản lý, giảng dạy và học tập một cách thuận lợi, và hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Theo ông Anthony, để xây dựng thành công nền giáo dục thông minh, phải xây dựng thành công các hợp phần cấu thành nên hệ sinh thái giáo dục thông minh, gồm: Phòng điều hành, họp trực tuyến; Hệ thống elearning; Thư viện thông minh; Hệ thống kiểm tra đánh giá; Chương trình học liệu; Trang thiết bị tiên tiến hiện đại; Hệ thống STEAM, hệ thống mô phỏng, thí nghiệm ảo; Các chương trình hợp tác giao lưu; Giáo dục ngoại ngữ; Các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; Các chương trình quản lý; Các hệ thống phần mềm khác.

Một số đơn vị giới thiệu các giải pháp ứng dụng trong giáo dục tại Hội thảo
Giới thiệu các giải pháp công nghệ ứng dụng trong giáo dục tại Hội thảo. Ảnh: KA

“Một trường học thông minh thậm chí không cần cơ sở vật chất để học tập, người ta có thể tổ chức các lớp học trực tuyến, sử dụng sự hỗ trợ của các hệ thống quản lý học tập khác nhau. Các trường học thông minh cũng kết hợp với các phần mềm để nâng cao hiệu quả trong việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh” – ông Anthony nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, TPHCM cần sớm xây dựng nền giáo dục thông minh, trước hết thí điểm đầu tư xây dựng một số điểm trường trên địa bàn Thành phố thành trường học thông minh để lấy ý kiến góp ý, trước khi từng bước triển khai đại trà.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, lãnh đạo Thành phố sớm nhận thức và quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, trong đó giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được xác định phải đi trước, là nền tảng, động lực của quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, giáo dục phổ thông của TPHCM đã sớm đầu tư xây dựng và phát triển giáo dục thông minh. Thành phố đã xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng hiệu quả các hoạt động dạy và học; ứng dụng CNTT-TT trong dạy học và quản lý; xây dựng nguồn nhân lực cho giáo dục thông minh với khả năng thích ứng, biến đổi cho phù hợp với cái mới, phát triển toàn diện các kĩ năng; Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lí, điều hành nhà trường, trong dạy và học như Phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên, Quản lý chuyển trường và tiếp nhận học sinh,… Hệ thống thẻ học đường thông minh với nhiều tiện ích được triển khai hiệu quả không chỉ giúp hạn chế sử dụng tiền mặt mà còn hỗ trợ hoạt động học tập và sinh hoạt của học sinh, công tác quản lí nhà trường,… Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có năng lực sáng tạo và sử dụng công nghệ.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng rất nhanh nên áp lực đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho học sinh rất lớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục; thách thức mục tiêu xây dựng mô hình dạy học tiên tiến, hiện đại. Hình thức tổ chức dạy học truyền thống gắn với việc truyền thụ kiến thức, tài liệu in, thời gian biểu cố định, … đã khiến giáo dục thiếu tính linh hoạt, sáng tạo.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục chưa đáp ứng tốt cho giáo dục thông minh. Việc triển khai các ứng dụng công nghệ trong giáo dục thời gian qua thiếu đồng bộ; kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng CNTT, viễn thông chưa thật sự hiệu quả; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa đồng đều; còn thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để từng cơ sở giáo dục kết nối vào hệ thống chung của thành phố thông minh.