Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra khi kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sáng 20/12 tại Trụ sở Chính phủ.
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012. Chiến lược được xây dựng và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều cơ quan Nhật Bản khác trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thị trường cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Chiến lược đã lựa chọn 6 ngành công nghiệp: Chế biến nông, thủy sản; điện tử; ô tô và phụ tùng ô tô; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; đóng tàu; máy nông nghiệp để tập trung ưu tiên phát triển trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam.
Ghi nhận những kết quả nổi bật đã đạt được sau 7 năm thực hiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã tích cực yêu cầu các bộ, ngành hợp tác với phía Nhật Bản xây dựng, hoàn thiện Chiến lược công nghiệp hóa và kế hoạch hành động phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch hành động phát triển từng ngành cũng như theo dõi, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược.
|
Công sứ Nhật Bản phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo đó, vốn đầu tư vào 6 ngành này tăng lên đáng kể, chiếm trên 27% tổng vốn đăng ký từ năm 2013 đến tháng 3/2019 tập trung ở 3 ngành là điện tử, ô tô và tiết kiệm năng lượng. Các ngành được ưu tiên phát triển đã có đóng góp quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp và kinh tế của đất nước. Ngoại trừ ngành đóng tàu gặp nhiều khó khăn, các ngành còn lại, đặc biệt là ngành điện tử, tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu. Sự phát triển của các ngành trong Chiến lược đã thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn ngành điện tử, sản xuất ô tô…, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
“Các ngành được ưu tiên phát triển đã có sự đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung. Đây cũng là động lực để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trong Chiến lược và các Kế hoạch hành động phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên như vận động xúc tiến đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách… Đại sứ quán, các đơn vị của Nhật Bản đã rất tích cực hợp tác, cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệm cùng các bộ, ngành Việt Nam xây dựng Chiến lược và dự thảo Kế hoạch hành động, đồng thời hỗ trợ bằng nhiều hoạt động lồng ghép trong các chương trình sẵn có.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, vẫn chưa có sự bứt phá trong một số ngành công nghiệp tập trung ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, đóng tàu, điện tử… Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm ở các ngành này còn thấp.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân của các tồn tại hạn chế đó là chính sách về huy động nguồn lực, thuế chưa hoàn thiện; chưa phát huy được vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong tham gia phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp… Việc hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị giữa Việt Nam và Nhật Bản còn lúng túng, chưa cụ thể và chưa có các giải pháp phù hợp.
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hợp tác chặt chẽ để phát triển thực chất, hiệu quả
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành phải đẩy mạnh thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản một cách thực chất, hiệu quả.
“Muốn làm được như vậy, cần có sự hợp tác tích cực từ phía Nhật Bản và sự vào cuộc quyết liệt từ phía Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, và Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát nội dung từng Kế hoạch hành động phát triển 6 ngành để kiến nghị Ban Chỉ đạo kịp thời điều chỉnh, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, bổ sung nhiệm vụ mới liên quan đến xây dựng chính sách, nhu cầu vốn, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành cũng như các nhiệm vụ mới bổ sung, báo cáo Ban Chỉ đạo nếu có vướng mắc.
“Các bộ, ngành cần hợp tác, phối hợp hiệu quả, thu hút sự tham gia của địa phương và khuyến khích doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách phát triển 6 ngành của Chiến lược; thực hiện nghiêm túc định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra khó khăn, bất cập về chính sách, về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và kiến nghị Ban Chỉ đạo tháo gỡ kịp thời”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành đề xuất hoạt động hợp tác cụ thể và thảo luận với phía Nhật Bản nhằm thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản; chủ động chia sẻ thông tin với phía Nhật Bản trong triển khai các hoạt động thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa.
Đồng thời, giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh các kênh thông tin cấp nhà nước về Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam-Nhật Bản; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi hơn để thu hút đầu tư vào Việt Nam, tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư của Nhật Bản vào các ngành công nghiệp ưu tiên của Chiến lược; Bộ Tài chính rà soát, xây dựng chính sách thuế ưu đãi, bố trí ngân sách để bảo đảm thực hiện các nội dung trong Kế hoạch hành động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.