Trong năm qua, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ được đánh giá là bám sát định hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, đã có các hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, kết nối cung – cầu công nghệ cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu công nghệ.

Tại Hội nghị Báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2019 của Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (SATI), Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đánh giá, Hoạt động của SATI đã bám sát định hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm – hướng mà Bộ KH&CN đang quan tâm đẩy mạnh. Có thể nói, với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, kết nối cung – cầu công nghệ cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu công nghệ, như Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá là SATI đã “đi cùng”, “giúp làm thay đổi năng suất, chất lượng, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh”.

Cụ thể, nhìn nhận lại hoạt động trong năm qua tại Hội nghị, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng SATI cho biết Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được SATI thực hiện đến nay đã triển khai được 47 nhiệm vụ có tính cấp bách, khả thi trên tổng số gần 300 đề xuất từ các Bộ, ngành, địa phương với tổng mức kinh phí khoảng 1.350 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 430 tỉ đồng, tỉ lệ được nhận hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp (chiếm 68%). Các dự án đã giúp tạo ra sản phẩm mới, gia tăng giá trị của các sản phẩm truyền thống và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cá tra, dừa, lúa gạo. Các công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt được chuyển giao cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) giúp doanh nghiệp tăng năng lực xuất khẩu lên 26 lần, doanh thu sau khi đổi mới tăng lên gần 120 lần, dự án Hoàn thiện thiết kế và chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/ mẻ giúp doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã (An Giang) đã làm giảm tiêu thụ diện năng, giảm chi phí triển khai khoảng 10-15%, giảm nhân công vận hành hệ thống 50-60% và tăng độ bền hệ thống 20-25%.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham quan mô hình trình diễn công nghệ chiết xuất bằng CO2 lỏng siêu tới hạn trong sự kiện Techdemo Gia Lai. Ảnh: VAST

Không chỉ tập trung vào các “chính phẩm” của các mặt hàng chủ lực truyền thống, mà các cải tiến công nghệ được SATI nhắm tới còn là tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, “biến phụ phẩm thành chính phẩm”, có thể kể đến như dự án Hoàn thoện công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng dầu săn và sản xuất shortening, margarine từ phụ phẩm cá tra đã giúp Tập đoàn Sao Mai (An Giang) tận dụng phụ phẩm, tăng doanh thu từ chế biến mỡ cá lên gấp hơn 2 lần, dự án Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm đã giúp Việt Nam Food giảm giá thành sản xuất chitosan tới 25-30% so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, hiện nay đang chiếm lĩnh 80-90% thị phần trong nước.

SATI cũng xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ để từ đó hỗ trợ kết nối cung – cầu công nghệ giữa các đơn vị trong nước với công nghệ, chuyên gia trong và ngoài nước. Trong năm 2019, thông qua các hoạt động điều tra, khảo sát, tọa đàm, tư vấn, SATI đã tổ chức 289 cuộc kết nối cung cầu công nghệ. Tại riêng sự kiện Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ năm 2019 (Techdemo) tại tỉnh Gia Lai, SATI đã tiếp nhận và xử lý 370 nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cung cấp thông tin 2600 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước trên hệ thống dữ liệu công nghệ của cục.

Bên cạnh đó, SATI xây dựng bản đồ công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai lộ trình đổi mới công nghệ, đang xây dựng báo cáo về hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Đối với các địa phương, SATI hỗ trợ triển khai cơ chế tự chủ của các đơn vị công lập thuộc sở KHCN, hỗ trợ thành lập các điểm kết nối cung cầu công nghệ và tổ chức các hội thảo hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vùng (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ- Tây Nguyên).

Sản xuất ở công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Báo Đồng Khởi

Để phát huy tốt hơn nữa những kết quả hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị SATI kết hợp với các đơn vị khác trong bộ cùng thực hiện chuỗi các sự kiện (Techfest, Techdemo) về chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ vào đời sống. Về mặt dữ liệu công nghệ, SATI phải quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ bài bản, chuẩn, có tính thống nhất, kết nối, liên thông giữa các đơn vị với nhau, giữa các địa phương với trung ương. Tránh tình trạng “bên nào cũng xây dựng dữ liệu mà không thống nhất thì không sử dụng được”.

GS Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN cho rằng SATI, để chuẩn bị cho năm bản lề của giai đoạn tới đây một cách “phát triển hơn nữa”, SATI phải lưu ý đến các xu hướng công nghệ đang được quan tâm nhiều trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư như AI, IoT, điện toán đám mây…, hoặc theo các ngành hàng quan trọng như cơ khí hóa, tự động hóa, linh kiện điện tử, điện dân dụng, gia dụng, vật liệu mới, ngành nông nghiệp… Từ đó nắm bắt được các công nghệ này đang được nghiên cứu, ứng dụng ở những đơn vị nào, doanh nghiệp nào, nhu cầu về các công nghệ này là gì. Chỉ khi nắm được hiện trạng sử dụng, các xu hướng nhu cầu công nghệ và có cơ sở dữ liệu thì mới hỗ trợ được các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường, GS Hoàng Văn Phong nhấn mạnh.