Năm 2020, TPHCM đã triển khai mới gần 200 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. 100% các nhiệm vụ nghiệm thu (98 nhiệm vụ) đều được ứng dụng vào thực tế.

Thông tin trên được bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Sở KH&CN TPHCM ngày 29/1.

Hội nghị tổng kết Sở KH&CN TPHCM 2020
Hội nghị tổng kết Sở KH&CN TPHCM năm 2020 Ảnh: KA

Trong đó, ở lĩnh vực môi trường - đô thị, các sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin được tập trung nghiên cứu, triển khai để phục vụ Đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh như công nghệ thiết kế, chế tạo bộ đèn LED và giải pháp chiếu sáng thông minh đồng bộ. Sản phẩm đang được triển khai thử nghiệm tại ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa TPHCM, Khu CNC TPHCM để hướng tới ứng dụng triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố. Đề tài Thiết kế và chế tạo thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng, được ứng dụng tại các điểm ngập nặng tại Quận 2, TP Thủ Đức,….

a
Giải pháp chiếu sáng thông minh được lắp thử nghiệm tại ĐH Bách khoa TPHCM Ảnh: BK

Ở lĩnh vực công nghiệp, tiêu biểu là các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (mẫu đúc nhôm trong khuôn kim loại có và không có rung siêu âm), sản phẩm thiết bị điện (quy trình công nghệ nấu luyện hợp kim nhôm 6201, sản xuất thử cáp hợp kim nhôm),…

Lĩnh vực nông nghiệp cũng đã cung cấp gần 3.000 tấn hạt giống, cây giống có chất lượng tốt cho người dân. Trung tâm Công nghệ sinh học tiếp tục triển khai các đề tài có tính ứng dụng cao, phụ vụ hầu hết các chương trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. Điển hình như phát triển rau an toàn, hoa kiểng, giống cây – con chất lượng cao,…

Đặc biệt, năm 2020, Sở KH&CN đã nghiệm thu nhiều nhiệm vụ trong ngành y tế như Mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương, đã xác định được các yếu tố tiên lượng tử vong sớm (trong 24 giờ đầu) và tử vong trong bệnh viện (30 ngày) ở bệnh nhân chấn thương. Sản phẩm của nhiệm vụ đã giúp cung cấp thêm dữ liệu cho cấp quản lý về tình hình chấn thương, nhằm tìm ra các giải pháp phòng ngừa chấn thương và giảm tỷ lệ tử vong do chấn thương.

Bà Hải cho biết thêm, trước đại dịch Covid-19, lực lượng KH&CN và doanh nghiệp TPHCM đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, nghiên cứu phục vụ công tác phòng chống dịch. Cụ thể, Công ty Cổ phẩn Công nghệ sinh học Nanogen là là một trong 4 đơn vị ở Việt Nam đang thực hiện đề án nghiên cứu sản xuất vaccine chống dịch Covid-19. Ngày 17/12/2020, vaccine được tiến hành thử nghiệm trên người. Ngoài ra, Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý thuộc Sở KH&CN TPHCM đã hoàn thành và chuyển giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh Covid-19. Sở KH&CN cũng hỗ trợ triển khai nhiệm vụ “Dự án xây dựng giải pháp tổng thể và thiết bị cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế”.

Theo bà Hải, năm 2020, đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng của TPHCM thông qua chỉ số TFP ước đạt 42%, cao hơn các năm trước (2019 - 40%, 2018 - 38,1%). Năm 2021, Sở KH&CN TPHCM tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: triển khai các chính sách thử nghiệm (sandbox); tái cấu trúc các chương trình KH&CN phù hợp với định hướng, chủ trương của TPHCM và quốc gia; triển khai cơ chế để doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số; hình thành không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN;…