Ba nhà nghiên cứu Việt Nam vừa nhận được tài trợ từ Chương trình Quan hệ Đối tác nhằm Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu (PEER) của Mỹ cho các dự án liên quan đến xử lý ô nhiễm dioxin trong đất.

Theo thông cáo báo chí của ĐSQ Mỹ, các dự án của ba nhà nghiên cứu Việt Nam nằm trong số 26 dự án trên toàn cầu được nhận tài trợ của PEER đợt này với tổng trị giá hơn 5,8 triệu USD và mỗi tài trợ trị giá từ 54.000 USD đến 300.000 USD.

Trong đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Oanh (Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam và Thái Lan) nghiên cứu công nghệ giảm thiểu ô nhiễm dioxin còn sót lại trong đất và trầm tích do quá trình sử dụng chất độc da cam trong Chiến tranh Việt Nam. Dioxin sẽ được loại bỏ khỏi đất và trầm tích bị ô nhiễm thông qua quá trình trao đổi chất kỵ khí và hiếu khí của các vi sinh vật. Dự án này sẽ hỗ trợ cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID trong việc loại bỏ dioxin khỏi các căn cứ điểm nóng ở Việt Nam như Sân bay Phù Cát, Đà Nẵng và Biên Hòa và khôi phục các điều kiện môi trường để bảo vệ sức khỏe sinh thái và con người trong khu vực.

Nhà nghiên cứu Đặng Thương Huyền (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu về chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành công cụ loại bỏ chất ô nhiễm có trong đất tại Việt Nam. Dự án này sẽ tập trung xử lý ô nhiễm chất độc da cam ở Biên Hòa bằng than sinh học có nguồn gốc từ phế thải.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khởi Nghĩa (Đại học Cần Thơ) nghiên cứu các phương pháp loại bỏ chất ô nhiễm tiết kiệm chi phí, bằng cách phân tích đất và thử nghiệm các kỹ thuật kích thích sự phát triển của vi sinh vật để phân hủy chất gây ô nhiễm. Dự án sẽ thu thập mẫu từ các điểm đất bị ô nhiễm dioxin mức độ thấp (dự kiến ​​tại Phù Cát, Đà Nẵng và Biên Hòa), sau đó phân tích nồng độ dioxin và khả năng xử lý sinh học: kích thích sinh học, chất cải tạo hữu cơ (mùn cưa), chất tạo bề mặt sinh học (rhamnolipid), vi khuẩn phân hủy dioxin và phân khoáng. Các tổ hợp xử lý có lợi nhất sẽ được thử nghiệm thêm trong ba thí nghiệm thực địa. Dự kiến dự án này sẽ tìm ra các yếu tố hạn chế việc xử lý sinh học dioxin và tìm ra cách tiếp cận kết hợp để xử lý sinh học dioxin tại chỗ.

PEER là chương trình tài trợ hằng năm của USAID dành cho các nhà khoa học và kỹ sư tại các nước đang phát triển, nhằm giải quyết những thách thức phát triển toàn cầu. Đến nay, các nhà nghiên cứu của Việt Nam đã nhận tổng cộng 20 khoản tài trợ trong khuôn khổ chương trình này, tính cả 3 khoản tài trợ mới công bố. Tính trên toàn cầu, PEER đã trao tài trợ cho 300 nhà nghiên cứu ở hơn 50 quốc gia, kể từ khi được thành lập vào năm 2011.