Liên minh #endthetrade đang đặt mục tiêu thu thập hơn 1 triệu chữ ký để kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn việc kinh doanh và buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim và động vật có vú trên toàn cầu.

Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) vừa thành lập Liên minh Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã (#endthetrade) quy mô toàn cầu.

Thông qua trang https://endthetrade.com/, Liên minh #endthetrade muốn kêu gọi các nhà bảo tồn, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, và toàn thể công chúng ký vào Tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại [động vật hoang dã].

Hiện đã có hơn 158 tổ chức bảo tồn tham gia ký kết và Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) là một trong những tổ chức đầu tiên ở Việt Nam ký vào tuyên bố này.

Bản Tuyên bố kêu gọi chính phủ các nước ban hành luật pháp phù hợp để chấm dứt vĩnh viễn hoạt động thương mại và buôn bán động vật hoang dã trên cạn, đặc biệt với mục đích tiêu thụ; trao quyền cho các cơ quan có liên quan để thực thi pháp luật; xây dựng các biện pháp chuyển dịch có đạo đức và công bằng cho những người có sinh kế bị ảnh hưởng trong chuỗi thương mại.

Dơi dược bày bán ở chọ của Indonesia
Dơi dược bày bán ở chọ của Indonesia Ảnh: Internet

Các khuyến nghị trong Tuyên bố không bao gồm hoạt động săn bắn như một sinh kế của người dân bản địa và cộng đồng địa phương cho tiêu thụ cấp hộ gia đình, hoặc hoạt động thuộc bản sắc văn hóa. Nếu con người ăn thịt động vật hoang dã vì họ không có lựa chọn khác, thì chính phủ phải cam kết đảm bảo cho họ có thể tiếp cận thực phẩm từ động vật hoặc thực vật được sản xuất bền vững, cung cấp cho họ thực phẩm chất lượng cao đáng tin cậy và an toàn vệ sinh, đồng thời giảm nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh từ động vật mới. Chính phủ các quốc gia phải phát triển các biện pháp chuyển dịch có đạo đức và công bằng cho các loài động vật hiện đang bị buôn bán, cũng như những người làm việc trong chuỗi thương mại này.

Theo các chiến lược đề ra, Liên minh #endthetrade sẽ hỗ trợ các khu bảo tồn thiên nhiên tăng hiệu quả quản lý; hỗ trợ các địa bàn thực địa kiểm tra và giám sát sự bùng phát mầm bệnh mầm bệnh từ động vật hoang dã ở các cán bộ tuyến đầu, đồng thời giảm nguy cơ lây truyền trở lại tự nhiên, đặc biệt là lây cho loài linh trưởng lớn do chúng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, chiến lược này cũng hướng tới xác lập cơ chế phản ứng nhanh, giúp duy trì sinh kế của các cộng đồng dễ bị tổn thương và các kiểm lâm để họ có thể tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái có giá trị cao.

Việt Nam là một trong những điểm nóng
Thu giữ động vật hoang dã ở Việt Nam. Ảnh: Intertnet

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE, chia sẻ, Việt Nam vẫn luôn là điểm nóng về tiêu thụ và vận chuyển động vật hoang dã trái phép, và đây chính là thời điểm chúng ta phải hành động cương quyết để chấm dứt tình trạng này. Bà Hồng bày tỏ hy vọng Chính phủ sẽ sớm đưa ra lệnh cấm, vừa để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, vừa thể hiện rõ quyết tâm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu phòng tránh các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trong tương lai.

Hiện có rất nhiều loài động vật hoang dã mang trong mình các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng. Các tác nhân truyền nhiễm này thường không ảnh hưởng đến vật chủ mà chúng ký sinh, nhưng lại là mối nguy hiểm lớn đối với những người không có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với chúng. Các chuyên gia ước tính rằng, trong số 1,6 triệu loại virus tiềm tàng ở động vật có vú và chim, khoảng 700.000 loài có thể gây rủi ro về sức khỏe cho con người trong tương lai.

Wildlife Conservation Society (WCS) có trụ sở đặt tại Sở thú Bronx (Mỹ), đang thực hiện khoảng 500 dự án bảo tồn thực địa tại 65 quốc gia, nhằm giúp bảo vệ động vật hoang dã và những nơi chúng sinh sống.