Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, theo đó kỳ thi sẽ chỉ nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước và do các địa phương chịu trách nhiệm khâu tổ chức thi cũng như chấm thi.


Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ chỉ tập trung vào mục đích đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Ảnh minh họa:edu2review.com

Sáng 21/4, tại buổi làm việc do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ở Trụ sở Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 11/8, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trước ngày 15/6.

Kỳ thi sẽ chỉ tập trung vào mục đích đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Các trường đại học sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng Luật Giáo dục đại học 2018 và có thể tổ chức các kỳ thi riêng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ra đề thi dựa trên chương trình, nội dung đã giảm tải; đồng thời tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin để quản lý bài thi, chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thi và chấm thi tự luận.

Kể từ năm 2015, khi kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” được tổ chức tại các địa phương để lấy kết quả xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn yêu cầu các hội đồng coi thi phải do các trường đại học tổ chức và cán bộ coi thi phần lớn phải là giảng viên đại học nhằm đảm bảo khách quan và công bằng cho kỳ thi. Kết quả là, hàng nghìn giảng viên phải di chuyển, nhiều khi rất xa, đến địa điểm trông thi và ăn ở tập trung cả tuần. Nếu làm theo đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ ngăn được tình cảnh hết sức bất lợi đó cho công tác phòng chống dịch hiện nay.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn diễn ra dịch COVID-19, đảm bảo an toàn và giảm áp lực cho học sinh.

Đây là lần thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ về phương án thi THPT năm nay, kể từ đầu tháng 4 đến nay. Trước đó, ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ 2 phương án thi THPT quốc gia trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh COVID-19, bao gồm cả tình huống không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Nhiều trường đã sẵn sàng phương án tuyển sinh riêng

Những ngày qua, nhiều trường đại học như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hàng hải… đã lần lượt công bố phương án tuyển sinh riêng, đáp ứng bối cảnh mới. Cụ thể, bên cạnh việc tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường còn xét tuyển theo các tiêu chí khác như chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, chứng chỉ tiếng Anh IELTS, kết quả thi SAT hoặc ACT...

Trong tình huống không có kỳ thi THPT quốc gia, các trường sẽ xem xét việc xét tuyển sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa hoặc công nhận kết quả dự thi ở các trường đại học khác của thí sinh…

Mới nhất, ngày 20/4, trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, ĐH Việt-Pháp) cho biết sẽ nhận hồ sơ và tổ chức phỏng vấn trực tuyến thay vì yêu cầu thí sinh đến Trường tham gia phỏng vấn trực tiếp như các đợt tuyển sinh trước đây. Mọi năm, USTH vẫn tuyển sinh bằng cách xét học bạ kết hợp phỏng vấn nhằm đánh giá toàn diện thí sinh. “Năm nay, trước tình hình dịch bệnh kéo dài, Trường chuyển sang hình thức phỏng vấn trực tuyến để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh, phụ huynh, đồng thời vẫn đảm bảo các tiêu chí đánh giá như mọi năm,” theo GS Etienne Saur, Hiệu trưởng chính của USTH.