Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR) về chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ (chủ yếu thuộc tỉnh Long An) ngày 23/4, hàm lượng TSS, NO2, Coliform sẽ khá cao, nên người dân cần chú ý trong việc lấy nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Theo kết quả quan trắc, dự báo hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong vùng không cao nên để đáp ứng tốt cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản, người dân cần có các giải pháp tăng cường hàm lượng DO trong nước (bằng cách sử dụng quạt nước hoặc máy thổi khí, hoặc thay một phần nước mới) giúp cho quá trình nitrate hóa diễn ra nhanh hơn. Ngược lại, hàm lượng TSS (chất rắn lơ lửng) lại rất cao gây nguy hiểm cho động vật thủy sinh nên cần có biện pháp xử lý và lắng lọc trước khi cấp nước vào ao nuôi.
Trong khi đó, hàm lượng BOD5 (chất hữu cơ) sẽ dao động từ 5,8 - 8,2 mgO2/l, nên nguồn nước vùng kẹp giữa sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm hữu cơ vượt quá khả năng tự làm sạch của nguồn nước với mức độ nhẹ. Chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ với hàm lượng BOD5 không có sự chênh lệch nhiều tại các vị trí, cho thấy không có sự ô nhiễm cục bộ trong hệ thống.
Hàm lượng Amoni (NH4+) phần lớn trong vùng thấp chứng tỏ nguồn nước chưa bị ô nhiễm bởi chất thải động vật trong chăn nuôi và các vi khuẩn gây bệnh.Nhưng tại vị trí VC07 (Vàm Cỏ Đông), hàm lượng Amoni tăng cao vượt quá mức QCVN nên cần có biện pháp giảm thiểu hàm lượng NH4+ để đảm bảo môi trường nước quanh khu vực
Riêng độ mặn dao động từ 0,0 ÷ 13,7‰, thời kỳ này triều lên cao nên nồng độ mặn trên sông chính có xu hướng tăng mạnh. Qua đó công tác vận hành các cống lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp giữa hai sông Vàm Cỏ có cần chú ý để có biện pháp công trình ngăn mặn kịp thời, tránh ảnh hưởng tới quá trình lấy nước sản xuất nông nghiệp.
SIWRR cũng cảnh báo các địa phương trong vùng về thực trạng ô nhiễm vi sinh do số lượng Coliform trong nước rất cao. Cần có biện pháp xử lý nếu lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cẩn trọng trong việc lấy nước tưới cho các loại rau ăn sống, phải rửa sạch bằng nước muối, thuốc tím hoặc hóa chất sát khuẩn và rửa thực phẩm trước khi ăn.
Hàm lượng NO2 trong vùng khá cao và bị ô nhiễm hữu cơ thời gian dài nên cần có biện pháp thích hợp để khơi thông dòng chảy, cung cấp thêm ôxi hòa tan (DO) để quá trình nitrát hóa diễn ra nhanh hơn giảm ảnh hưởng của nitrít đến đời sống thủy sinh. Đồng thời phải cải tạo ao nuôi, bùn và các chất cặn bã phải được loại bỏ; quản lí cho ăn tốt, tránh cho ăn dư thừa nhằm hạn chế trường hợp thức ăn dư thừa tích tụ lâu dài làm gia tăng hàm lượng Nitrite trong nước.
Hiện nay tốc độ suy giảm chất lượng môi trường nước đang ngày càng nhanh và mạnh, các vùng nuôi tôm thâm canh và quảng canh cải tiến đa số chỉ sau một thời gian ngắn là có thể xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, SIWRR khuyến nghị cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng để kiểm soát được mặn – ngọt, độ mặn, các chỉ tiêu của nước, chất lượng nguồn nước cấp cho ao nuôi để xử lý kịp thời và kiểm soát dịch bệnh.
Việc giám sát và dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ, phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy lợi giao cho SIWRR thực thiện. Mỗi tháng có 2 đợt lấy mẫu (ngày 1 và ngày 15 âm lịch) và dự báo 2 lần trong mỗi đợt lấy mẫu.
Kiều Anh