Trong bối cảnh dịch cúm do virus Covid-19 lan rộng nhanh chóng, dơi đã trở thành một động vật được nhắc đến nhiều nhất, do bị nghi ngờ là nguồn truyền bệnh ban đầu.
Chúng tôi trao đổi với PGS.TS Vũ Đình Thống - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người đã có nhiều nghiên cứu về dơi từ năm 1998 đến nay, xung quanh “nghi án” này và tầm quan trọng của nghiên cứu dơi.
Thưa ông, tại sao dơi bị nghi ngờ là vật chủ lây truyền Covid 19?
PGS.TS Vũ Đình Thống: Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh một thời gian rất ngắn, một nhóm tác giả người Trung Quốc công bố trên tạp chí Nature vào ngày 23 tháng 01 (công bố chính thức ngày 03 tháng 02), cho thấy trình tự gene của Covid-19 tương đồng khoảng 79,6% so với chủng vi rút SARS-CoV gây đại dịch SARS trước đây; đồng thời, tương đồng gần 96% so với toàn bộ hệ gene của một chủng virus corona phát hiện ở dơi. Dựa trên kết quả công bố đó, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa ra thông tin nhận định Covid-19 có nguồn gốc từ dơi.
Tuy nhiên, chính nội dung bài báo trên của Nature cũng không khẳng định Covid-19 có nguồn gốc từ dơi hay bất kỳ loài động vật hoang dã nào. Do vậy, cần có kết quả nghiên cứu kỹ hơn, bao quát hơn, bao gồm kết quả nghiên cứu từ người bệnh và các loài dơi cũng như động vật khác. Mặt khác, ngay cả khi phát hiện được chủng virus Covid-19 ở dơi hay bất kỳ loài động vật nào khác, cũng cần nghiên cứu rõ cơ chế lây nhiễm mới có thể khẳng định xem loài động vật nào là nguồn gốc của virus gây bệnh dịch.
Nếu quả thực dơi là ổ xuất phát của Covid-19 thì cơ chế lây lan sẽ được xác định như thế nào?
Nhiều kết quả nghiên cứu trước đây ở Trung Quốc cho thấy: một số loài dơi, đặc biệt là những loài thuộc họ Dơi lá mũi (Rhinolophidae) là ổ tự nhiên của những loài virus Corona. Những thông tin trên dẫn đến sự quan tâm và có thể một số suy luận rằng các loài dơi cũng là ổ tự nhiên hay nguồn gốc của nCoV-2019. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có kết quả nghiên cứu nào xác định cơ chế lây nhiễm những virus Corona đã phát hiện đó từ dơi sang người. Thực tế, giới động vật rất đa dạng. Do vậy, có thể virus Corona còn ở nhiều loài động vật khác mà các nhà khoa học chưa phát hiện.
Cũng cần lưu ý là, các loài động vật được buôn bán ở chợ hải sản và động vật hoang dã ở Vũ Hán rất đa dạng, bao gồm cả động vật hoang dã khác như cầy, dúi, rắn… và động vật nuôi gà, lợn, chó, v.v.... Do vậy, cần nghiên cứu về dịch tễ học trên cả đối tượng vật nuôi và động vật hoang dã mới có thêm thông tin với hy vọng có thể xác định được cơ chế lây nhiễm bệnh dịch giữa dơi nói riêng và động vật hoang dã nói chung với con người.
Nhưng vẫn có nhiều đồn đại liệu rằng rất nhiều loài dơi có mang trong mình những virus khác và ảnh hưởng tới sức khỏe con người?
Cho đến nay, các nhà khoa học thống kê có hơn 1420 loài dơi đã biết trên thế giới; trong đó, có 126 loài đã được phát hiện ở Việt Nam. Trong thành phần loài dơi hiện biết đó, các nhà khoa học đã phát hiện được virus ở các loài dơi thuộc các họ: Dơi quả (Pterôpdidae), Dơi nếp mũi (Hipposideridae), Dơi lá mũi (Rhinolophidae) và một số họ khác. Nhiều chủng virus đã được phát hiện ở các loài dơi ở Việt Nam; trong đó, có một số chủng thuộc loại Corona và các virus khác như Nipah, Hantavirus, Lyssavirus. Tuy nhiên, những phát hiện đó chỉ cho thấy rằng các loài dơi có mang virus chứ không có nghĩa là tất các loài dơi ở Việt Nam là mối đe dọa đối với sức khỏe của con người.
Tổ chức bảo tồn dơi quốc tế (BCI) cũng đã khẳng định nhiều loài dơi mang nhiều virus Corona trong môi trường sống nếu không bị con người tác động sẽ không gây ra mối đe dọa với sức khỏe của con người. Thực tế, trong hệ sinh thái tự nhiên, mỗi loài sinh vật đều có vai trò, vị trí nhất định và bình đẳng, cần có môi trường sống thích hợp và không bị tác động. Chúng ta cũng cần hiểu rõ hơn về sự đa dạng của các loài dơi cũng như sự đa dạng về sinh cảnh sống của chúng.
Vậy nghiên cứu về dơi có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe con người thưa ông?
Tổ chức Bảo tồn dơi quốc tế đã khẳng định, những kết quả nghiên cứu về bệnh dịch động vật trong đó bao gồm công tác xác định những loài động vật hoang dã mang mầm bệnh sẽ nâng cao hiểu biết và khả năng dự báo cũng như ngăn chặn những hiện tượng lây nhiễm bệnh dịch. Do vậy, nghiên cứu về virus học, miễn dịch học và sinh thái học của các loài dơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển những biện pháp đảm bảo sức khỏe của con người và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như môi trường sinh thái. Hơn nữa, nghiên cứu về hệ miễn dịch của dơi có thể giúp chúng ta hiểu hơn về hệ miễn dịch, cách thức đối với những bệnh dịch lây lan trong môi trường.
Tuy chưa có bằng chứng cho thấy Covid-19 xuất phát từ dơi, nhưng tôi có một khuyến cáo đối với những người dân địa phương săn bắt dơi để ăn thịt hoặc uống tiết dơi với rượu. Bất luận có lây nhiễm Covid-19 hay các virus khác hay không thì hoạt động săn bắt dơi cũng gây đến nhiều hệ lụy; trong đó, có thể nhận thấy rõ nhất là mất cân bằng sinh thái, có thể gây nguy cơ suy giảm hoặc tuyệt chủng những loài dơi quý hiếm hoặc đặc hữu; ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Mặt khác, cũng không ngoại trừ nguy cơ lây nhiễm nào đó về bệnh dịch giữa các loài dơi và con người.
Các chuyên gia của Hoa Kỳ nghiên cứu về các loài động vật hoang dã và bệnh dịch khuyến cáo, hạn chế hoặc không buôn bán động vật hoang dã sẽ có lợi đối với cả sức khỏe của con người và các loài động vật không bị săn bắt hoặc suy giảm.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!