Các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và đồng nghiệp quốc tế ở Viện GD nước Delft, ĐH Khoa học Địa chất Hồ Bắc đã tìm ra những thách thức trong quản lý nguồn nước ngầm ở ĐBSCL, qua trường hợp Trà Vinh.
Kết quả được công bố trong “Ambiguities in implementing regulations for sustainable groundwater resources development in Vietnam with a case study of Tra Vinh province in Mekong Delta” (Những mơ hồ trong thực thi các quy định phát triển bền vững tài nguyên nước ngầm ở Việt Nam với trường hợp tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL).
Các nhà nghiên cứu đặt ba câu hỏi quanh việc thực hiện quy định của Việt Nam về hạn chế khai thác nước dưới đất ở ĐBSCL: làm thế nào để tính toán một nửa độ dày bão hòa của tầng chứa nước không bị giới hạn; độ sâu mực nước 30 m đối với tầng chứa nước đã đủ để ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển và lún đất không; tại sao chưa xem xét việc can thiệp vào quyền sử dụng nước của các tỉnh lân cận.
Về nguyên nhân chọn Trà Vinh làm trường hợp điển hình, các nhà nghiên cứu cho biết hiện nguồn nước ngầm ở đây đã cạn kiệt do khai thác nước ngầm. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn, lún đất và thu giữ dòng nước ngầm của các tỉnh lân cận.
Sử dụng mô hình tính toán lưu lượng nước ngầm, vận chuyển nước mặn và lún đất cho Trà Vinh, họ muốn đánh giá các yêu cầu về mực nước theo quy định của Việt Nam và các hạn chế quan trọng đối với tính bền vững của nước ngầm.
Kết quả cho thấy mặc dù tất cả các kịch bản đều đáp ứng yêu cầu về mực nước ngầm theo quy định của Việt Nam, nhưng chỉ có kịch bản giảm nhẹ là giảm 50% tỷ lệ khai thác và tăng khả năng nạp lại lên 1,5 lần bằng các biện pháp tái nạp lại tầng ngậm nước được quản lý ở các khu vực cồn cát mới có thể dẫn đến sự bền vững trong quản lý nước ngầm.
T. Hương