Đây là nội dung được nêu ra trong hội thảo "Tiêu chuẩn và Chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức vào sáng 20/12.

Tiêu chuẩn Halal đặt ra các yêu cầu cho thực phẩm theo quy định của Hồi giáo. Ảnh: Internet
Tiêu chuẩn Halal đặt ra các yêu cầu cho thực phẩm theo quy định của Hồi giáo. Ảnh: Internet

Mặc dù là một thị trường xuất khẩu tiềm năng song hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường Halal vẫn còn khiêm tốn. Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là đạt được tiêu chuẩn và chứng nhận Halal.

Để khắc phục vấn đề này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang lên kế hoạch thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Đây sẽ là cơ quan chứng nhận chính thức của quốc gia cung cấp các dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về các tiêu chuẩn, yêu cầu Halal cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này cũng triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal nhằm đối thoại chính sách, tăng cường cung cấp thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu. "Điều này rất cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Đây là cơ hội rất tốt cho một quốc gia không theo đạo Hồi như Việt Nam”, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’Tan Yang Thái nhận xét.