Để nắm bắt cơ hội phát triển thương mại điện tử, các hiệp hội hoặc chính quyền các tỉnh, thành phố có thể tham gia đào tạo, huấn luyện cho doanh nghiệp các kỹ năng cần có khi lên sàn thương mại điện tử.
Ngày 16/9 vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm cấp cao Kinh tế số – Chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ 2016 đến nay, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng từ 25-30%/năm. Cụ thể, năm 2016, quy mô thị trường mới đạt 5 tỷ USD doanh thu B2C, thì đến năm 2020 đã tăng gần 2,4 lần, đạt 11,8 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, dự kiến đến 2025 doanh thu B2C sẽ đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ. Ước tính, mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm và đạt 600 USD/năm vào năm 2025.
Việt Nam đang cần một chiến lược đúng đắn để không bỏ lỡ cơ hội phát triển thương mại điện tử. Với kinh nghiệm 10 năm vận hành thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Marketing của Tiki cho rằng, chính sách, công nghệ và nhân lực vận hành là 3 cột trụ để phát triển một doanh nghiệp thương mại điện tử. Ông nhận định, chính sách thương mại điện tử đã cởi mở hơn từ khoảng 2 năm trở lại đây, tuy nhiên, cần có hướng dẫn nhanh hơn để doanh nghiệp không hiểu sai, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee - đề xuất các hiệp hội hoặc chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện cho doanh nghiệp khi lên sàn thương mại điện tử.
Đại diện Shopee nói: "Từ khi gia nhập thị trường, Shopee đã nhận thấy, để việc bán hàng online hiệu quả, người bán cần có kiến thức về vận hành, cách tiếp thị quản lý sản phẩm và vận hành kho bãi. Đây là các kỹ năng tương đối mới với phần lớn nhà cung cấp Việt Nam. Trong tương lai, những đối tác của chúng tôi phải có kỹ năng về phát triển thương mại điện tử, sự thành bại của thương mại điện tử phụ thuộc khả năng vận hành của chính họ nữa".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam, thì cho rằng để thương mại điện tử phát triển như kỳ vọng, cần có sự hợp tác chặt chẽ của Chính phủ và doanh nghiệp cũng như nhìn nhận đúng vai trò của đội ngũ shipper.
Khi thành phố thực hiện giãn cách, đội ngũ shipper đã chứng tỏ là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo cho hàng hóa lưu thông. Trong thương mại điện tử, các giao dịch đặt hàng, thanh toán được thực hiện trên môi trường internet, nhưng việc giao hàng là offline. Vì thế, đại diện Grab đề nghị, trong giai đoạn tới, chính quyền cần có cái nhìn nhất quán về vai trò của đội ngũ shipper để có quy định quản lý hành chính và chính sách phù hợp, giúp hoạt động giao hàng được thông suốt. Bà Vân tin rằng, việc đẩy mạnh hợp tác công tư sẽ trở thành đòn bẩy để duy trì chuỗi cung ứng, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch.