Trong khuôn khổ chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris gần đây, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã được nâng cấp thành CDC Đông Nam Á. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn TS. John Blandfort, nguyên Giám đốc quốc gia của CDC Việt Nam xoay quanh hoạt động ứng phó với đại dịch COVID-19 của Việt Nam và đóng góp của CDC trong đó.

Trong thời gian vừa qua, TS. John Blandfort đã chứng kiến và hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19 trên toàn cầu ở một vị trí đặc biệt – người đã đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở hai nơi trên thế giới: Việt Nam và Nam Phi. Với kinh nghiệm thực tế ở hai quốc gia có trải nghiệm đại dịch COVID-19 rất khác nhau, ông đã chia sẻ những quan sát của mình trong bài phỏng vấn trên trang web của CDC Hoa Kỳ.

TS. John Blandfort. Nguồn: CDC

Từng có mặt tại Việt Nam vào năm 2020, ông thấy đại dịch đã bùng phát ở đây như thế nào

Khi đại dịch bắt đầu, tôi và Matt Moore, người phụ trách Chương trình Bảo vệ sức khỏe toàn cầu của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, đang nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam. Lúc đó tôi đang đi nghỉ ở Thái Lan và nhận được tin dữ. Mọi tin tức lúc đó đều liên quan đến COVID-19. Trung Quốc đã công bố ca tử vong đầu tiên do COVID-19 vào ngày 12/1/2020. Điều này thực sự đáng lo ngại, nhưng khi đó dịch bệnh vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Sau đó, tôi nhận được điện thoại của Matt rằng Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu hành động ứng phó với COVID-19.

Theo ông tại sao Chính phủ Việt Nam lại phản ứng nhanh như vậy?

Rõ ràng là Việt Nam đã có những ký ức sâu sắc về đợt bùng phát dịch SARS năm 2003. Khi đó dịch SARS lây lan từ Trung Quốc ra khắp châu Á và ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam, về cả sức khỏe lẫn kinh tế.

Việt Nam là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp nhưng đang phát triển rất nhanh. Với đường biên giới kéo dài 800 dặm với Trung Quốc, Việt Nam là một đối tác thương mại thân thiết và là một phần của chuỗi cung ứng sản xuất, họ chế tạo các linh kiện để chuyển đến lắp ráp ở Trung Quốc. Tất cả những hoạt động này diễn ra qua lại giữa hai quốc gia.

Mối quan tâm về kinh tế cũng được đặt lên hàng đầu cùng với mối quan tâm về sức khỏe. Tôi nghĩ, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra rằng đại dịch COVID-19 có thể trở thành vấn đề ảnh hưởng trầm trọng đến họ.

CDC Hoa kỳ tại Việt Nam đã tham gia vào quá trình ứng phó sớm với đại dịch nơi đây như thế nào?

CDC Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia dịch tễ học của CDC ở Atlanta và các chuyên gia dịch tễ học tại Bộ Y tế Việt Nam. Bên cạnh chương trình lớn nhất của CDC ở Việt Nam về HIV, chúng tôi cũng có một dự án quan trọng là Chương trình Bảo vệ sức khỏe toàn cầu, đồng thời có các chuyên gia về bệnh lao và bệnh cúm. Tôi nghĩ rằng điều này thực sự đã góp phần tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của CDC. Do đó, khi COVID-19 lan truyền đến Việt Nam vào tuần thứ ba của tháng 1/2020 thì chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ ứng phó.

Nhóm của ông đã hỗ trợ những gì về mặt kỹ thuật?

Chúng tôi đã hỗ trợ trên nhiều phương diện, bằng cách huy động mọi nguồn lực của CDC Việt Nam để ứng phó với đợt bùng phát này. Bên cạnh các biện pháp ứng phó theo sự dẫn dắt của Chương trình Bảo vệ sức khỏe toàn cầu của CDC Việt Nam, chúng tôi đã thu hút các nguồn lực từ các chương trình khác về bệnh cúm, lao và HIV: bao gồm phòng thí nghiệm, các biện pháp về dịch tễ học, ngăn chặn và kiểm soát lây nhiễm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng huy động nhân viên bên quản lý để hỗ trợ điều phối hoạt động. Một điều thuận lợi là CDC có một chương trình an ninh y tế toàn cầu cùng các mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị quan trọng thuộc Chính phủ Việt Nam.

Tôi thấy là Việt Nam đã lắng nghe lời khuyên của chúng tôi trong nhiều trường hợp. Ở một số tình huống, họ đã đưa ra những quyết định hiệu quả với Việt Nam mà ở các quốc gia khác có thể sẽ không dễ dàng chấp thuận. Một ví dụ điển hình về hành động ứng phó sớm của Chính phủ là khi có một nhóm nhiễm bệnh ở một xã phía bắc Hà Nội, Bộ Y tế quyết định cách ly toàn bộ xã, phong tỏa và hạn chế việc ra vào xã. Ở các quốc gia khác sẽ rất khó thực hiện, nhưng người dân nơi đây đã ủng hộ biện pháp này.

Việc giãn cách xã hội sớm ở những vùng dịch là một trong những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: Xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) là ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam bị phong tỏa vào đầu năm 2020. Nguồn: Vietnamnet

Điều này đã mang lại hiệu quả bước đầu như thế nào?

Về cơ bản, họ đã ngăn chặn sự lây nhiễm từ ổ dịch ở xã đó ra cộng đồng. Họ cũng sẵn sàng quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Nhiều quốc gia châu Á thường đeo khẩu trang nơi công cộng khi bị cảm lạnh. Họ biết rằng đeo khẩu trang sẽ góp phần bảo vệ những người xung quanh. Tất nhiên, khẩu trang không phải là hoàn hảo tuyệt đối, nhưng chẳng cần đến mức đó, vì đôi khi biện pháp “hiệu quả tương đối” có thể trở thành thứ đủ hiệu quả dưới góc độ sức khỏe cộng đồng.

Việc đeo khẩu trang nhằm bảo vệ người dân trong cộng đồng là điều đặc biệt quan trọng với những khu vực đông dân như thành phố Hà Nội, nơi có gần 10 triệu dân. Thật ấn tượng khi thấy họ đã áp dụng biện pháp y tế công cộng một cách tuyệt vời và mang lại hiệu quả. Trong khi đó khi đến Nam Phi, tôi nhận thấy rằng dù áp dụng các biện pháp y tế công cộng và ứng phó với COVID-19 khá hiệu quả nhưng họ cũng gặp thách thức trong quy định bắt buộc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Quá trình triển khai các biện pháp này cũng cho thấy tầm quan trọng của sự ủng hộ từ phía người dân: cùng tham gia ứng phó và cùng có lợi. Chúng tôi thấy một cách tiếp cận khác trong việc nhìn nhận trách nhiệm cộng đồng - sự gắn kết cộng đồng thực sự mang lại hiệu quả trong các biện pháp ứng phó y tế công cộng.

Tác động của cách tiếp cận này là gì?

Trong giai đoạn đầu tiên, Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 99 ngày, sau đó xuất hiện một số ca mắc. Đến đợt bùng phát dịch thứ hai, gần 90 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, những người đứng đầu các cơ quan y tế biết rằng họ có thể ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Điều quan trọng là Việt Nam không bao giờ từ bỏ việc ngăn chặn COVID-19, khác với các quốc gia khác đã chuyển từ ngăn chặn sang các chiến lược giảm thiểu như đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế đi lại, đóng cửa trường học và giãn cách xã hội.

Việt Nam có thực hiện những cách tiếp cận khác?

Ngay trong làn sóng đầu tiên, dù có rất ít ca nhiễm - khoảng 17 ca, Bộ Y tế đã sớm nhận ra rằng việc hướng dẫn truy vết người từng tiếp xúc với người bệnh là điều rất quan trọng. Các ca bệnh đầu tiên cũng mang lại cơ hội thực hành và củng cố các biện pháp, giúp họ chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp dịch bệnh gia tăng.

Chúng tôi cũng biết rằng ngay trong những tuần đầu tiên hồi tháng 1/2020, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng khả năng cách ly 30.000 người cùng một lúc ở biên giới. Họ đã tiến hành trong vòng một tháng. Ở các vùng biên giới, họ chuyển bộ đội ra khỏi doanh trại vào các lều trại, sau đó chuyển đổi các doanh trại thành khu cách ly để người nhập cảnh về Việt Nam sẽ cách ly ở đó hai tuần.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai biện pháp này này vào cuối tháng 2/2020. Họ đã thiết lập các cơ sở cách ly tương tự ở các bệnh viện trung ương lớn và những nơi khác. Họ đã xoay xở để thực hiện biện pháp cách ly ở nhiều cấp độ khác nhau trong hệ thống y tế chứ không chỉ riêng các cơ sở tiên tiến. Họ cũng có thể cách ly và điều trị thành công bệnh nhân ở bệnh viện cấp huyện. Đây cũng là cơ hội để Bộ Y tế chứng minh rằng nếu học được cách điều trị bệnh nhân COVID-19 ở địa phương, chúng ta có thể thực hiện ở quy mô lớn hơn nếu cần thiết.

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế công cộng, tôi thấy hiệu quả hoạt động của hệ thống [ứng phó với đại dịch của Việt Nam] thật phi thường, bên cạnh mức độ cam kết ngăn chặn đại dịch của người dân Việt Nam, hiệu quả ứng phó của Chính phủ cũng như sự hợp tác của toàn bộ cộng đồng.