Hệ thống AI là một trong những giải pháp để các công ty logistics trong khu vực Đông Nam Á có thể theo kịp nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 làm thương mại điện tử và kinh tế số bùng nổ.

Bức tranh chung của khu vực

Chuỗi cung ứng và ngành logistics luôn là động lực tăng trưởng chính cho các nền kinh tế, đặc biệt ở thị trường mới nổi. Trong khi thương mại điện tử luôn là miếng bánh lớn ở Đông Nam Á, việc người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi tốc độ nhanh hơn và sự tiện lợi cao hơn đã tạo ra các thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia.

Viện nghiên cứu ISEAS của Singapore đã kết luận rằng những yếu tố chính để quyết định khả năng cạnh tranh của mỗi nước trong khu vực là “sự sẵn có, tin cậy và hiệu quả chi phí trong các khâu vận tải, phân phối, trung gian tài chính, ICT và các dịch vụ khác”.

Tuy vậy, nhiều nơi đang đối mặt với các điểm vênh trong hậu cần. Mỗi nước có một vài “điểm đau” khác nhau trong khâu này, thậm chí hầu như tất cả các nước ASEAN đều không có định nghĩa chung về logistics. Mỗi phân ngành trong logistics được quy định bởi các cơ quan chính phủ khác nhau. Việc hoạch định chính sách có xu hướng được thực hiện từng phần thay vì tích hợp, dẫn đến sự phức tạp trong lĩnh vực hậu cần ở bản thân mỗi nước.

Điều tệ hơn nữa là sự thiếu rõ ràng trong các quy định về hải quan, luật pháp và chính sách quản trị ở hầu hết các quốc gia trong vấn đề thương mại xuyên biên giới, báo cáo của ISEAS chỉ ra. Từ trước tới nay, các cam kết tự do hóa của ASEAN vẫn tập trung vào việc nâng cao giới hạn vốn chủ sở hữu nước ngoài, trong khi những quy định về cải cách lại không được động đến. Ngoài ra, việc cho phép “sự linh hoạt” trong các cam kết này cũng khiến nhiều nước tỏ ra trì hoãn hoặc không tuân thủ.

Các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Philippines phải đối mặt với khó khăn lớn hơn trong việc phục vụ một cơ sở người dùng lớn và trải rộng, so với các quốc gia có diện tích nhỏ như Singapore, Brunei và Lào. Cơ sở hạ tầng về đường xá, cầu cảng, kho bãi, phương tiện vận tải của các nước cũng không đầy đủ, đặc biệt là tại những khu vực kém phát triển hơn và có địa hình phức tạp với hàng ngàn hòn đảo như Philippines hay Indonesia.

Trong khi đó, ở một số nơi, nhờ việc triển khai các thỏa thuận xuyên biên giới như thỏa thuận thanh toán bằng mã QR giữa Malaysia - Thái Lan mà các doanh nghiệp trong hệ thống logistics của hai bên đã có thể hoạt động thuận tiện hơn.

Các công ty khởi nghiệp logistics trong khu vực

Thị trường hậu cần của Indonesia rất phân mảnh và cạnh tranh, sự tham gia của một vài công ty lớn và hàng ngàn doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ đã thúc đẩy cuộc chiến giá cả. Do hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở những khu vực kém phát triển, chẳng hạn như khu vực đảo Kalimantan vẫn còn chưa được điện khí hóa đầy đủ, đã khiến các ứng dụng công nghệ như hệ thống định vị GPS hay vô tuyến RFID không được sử dụng tối ưu.

Do không bên nào có thể thực sự phục vụ được toàn quốc gia, nên việc nhiều bên cùng tồn tại để giải quyết các dịch vụ khác nhau trong chuỗi cung ứng đã làm tăng chi phí logistics và khiến việc quản lý chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn cho các shipper.

Một số công ty khởi nghiệp đang vượt qua những thách thức đó bằng cách đưa ra các giải pháp chuỗi cung ứng đầu cuối mạnh mẽ hơn và được công nghệ hỗ trợ. Một ví dụ trong đó là Advotics, một startup ở Indonesia đưa ra dịch vụ SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) cho các nhà cung cấp để giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng và hậu cần của họ. Một cái tên khác của Indonesia là Logisly, doanh nghiệp này nhắm đến việc tối ưu hóa việc sử dụng xe tải thông qua việc số hóa tất cả khâu đặt hàng, quản lý đơn hàng và theo dõi lộ trình của xe tải.

Một công ty khởi nghiệp khác, Locad, có trụ sở tại Singapore gần đây đã huy động được 4,9 triệu USD trong một vòng gọi vốn hạt giống. Doanh nghiệp này cung cấp các giải pháp hoàn tất (fulfillment) cho thương mại điện tử xuyên biên giới, bắt đầu từ lúc hàng hóa được nhập vào kho đến lúc người mua hàng nhận được sản phẩm. Nghĩa là bao gồm các hoạt động lấy hàng từ người bán hàng, lưu kho, xử lý đơn hàng, lấy hàng từ kho, đóng gói.

Locad hiện đang phục vụ các thị trường Philippines, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore và Úc. Giải pháp của nó dựa trên một nền tảng phần mềm điện toán đám mây đóng vai trò là “tháp điều khiển”, vì vậy người dùng có thể nhận được hàng tồn kho theo thời gian thực và cập nhật đơn đặt hàng trên mạng của họ. Trong tương lai, Locad đặt mục tiêu bổ sung thêm phần phân tích dữ liệu để nâng cao dịch vụ của mình.

Ninjavan là một kỳ lân tiềm năng ở Singapore cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối, tận dụng phương tiện truyền thông xã hội để cho phép khách hàng theo dõi các gói bưu phẩm của họ theo thời gian thực trên nền tảng nhắn tin mà khách hàng ưa thích. Startup này đã huy động được 400 triệu USD và tuyên bố đã giao hơn một triệu bưu kiện trên nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Doanh nghiệp này đang hợp tác chặt chẽ với các đại gia thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tokopedia để trực tiếp phục vụ thị trường người dùng cuối cùng.

Ở Việt Nam, trong số các tech startup thuộc lĩnh vực logistics, nền tảng kết nối Logivan là ứng cử viên đang gọi được vốn nhiều nhất, 8 triệu USD. Trên nền tảng đó, shipper có thể chọn và tương tác với các hãng vận chuyển, nhận báo giá, theo dõi lô hàng và lấy PODS và hóa đơn. Một cái tên khác là Abivin, startup cung cấp phần mềm quản lý logistics tối ưu, đang bắt tay với nhiều nhà sản xuất, bản lẻ và cung cấp dịch vụ vận tải trong khu vực công và tư để giúp họ tối ưu hóa các chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các đại gia logistics quốc tế cũng đã bước chân vào thị trường khu vực. gần đây nhất, UPS của Mỹ đã tiến đến Malaysia sau khi thành lập trung tâm của mình tại Singapore. Quan hệ đối tác giữa UPS và Parcel Hub, một công ty ở địa phương chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển trong nước và quốc tế, sẽ khiến các doanh nghiệp SMEs tại địa phương tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc tế, bởi UPS đã hiện diện toàn cầu và đang nâng cấp các dịch vụ công nghệ của nó.

Hậu cần hằng ngày

Trong khi B2B và các ngành logistics xuyên biên giới đang có thời điểm khó khăn, nhu cầu giao hàng B2C và giao hàng trong ngày đã tăng lên đáng kể. Công ty hậu cần theo yêu cầu, Lalamove, đã ghi lại các đơn đặt hàng tăng vọt cho việc giao đồ ăn, hàng tạp hóa, quần áo vào năm ngoái, mặc dù lúc đó họ cho rằng đây có thể chỉ là một sự thay đổi tạm thời.

Tại các thị trường như Singapore và Kuala Lumpur, nơi người tiêu dùng đã quen thuộc với cách thức hoạt động thương mại điện tử như trên, nhiều cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng đã sử dụng những ứng dụng của các công ty như Lalamove để đáp ứng các nhu cầu hằng ngày. Để cạnh tranh trong bối cảnh hậu cần khốc liệt, công ty này gần đây đã tích lũy được 1,5 tỷ USD trong tài trợ series F để duy trì tốc độ tăng trưởng và dẫn đầu cuộc cạnh tranh vận chuyển hàng hóa nội thành.

Tình trạng này cũng thúc đẩy GoJek và Grab tăng cường các dịch vụ giao hàng của họ, đặc biệt khi các nước lần lượt thực hiện các biện pháp dãn cách xã hội ở quy mô lớn. Trong đại dịch, GrabExpress đã chứng kiến nhu cầu dịch vụ vận chuyển tăng vọt lên tới 40%, đặc biệt là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở Indonesia.

Những ông lớn này như Gojek và Grab cũng đã đưa ra chương trình giao hàng không tiếp xúc nhờ các chức năng trong ứng dụng, để khách hàng có thể hướng dẫn tài xế gửi đơn đặt hàng của họ tại các địa điểm cụ thể. Tài xế sau đó sẽ thông báo cho khách hàng về việc họ đến và chờ các gói hàng được nhận.

Khi nhu cầu logistics của B2C tăng lên, đã đến lúc các công ty logistics phải xem xét và đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo để thích ứng với những thời điểm căng thẳng. Họ cần tinh chỉnh các quy trình và hệ thống quản lý của mình để giảm chi phí bằng việc áp dụng ngày càng nhiều giải pháp công nghệ.

Với sự hỗ trợ của các hệ thống AI trong việc tối ưu hóa tuyến đường, dự đoán cảnh báo vận chuyển thông minh, các doanh nghiệp logistics có thể vượt qua được những thách thức về chi phí nhiên liệu, tốc độ giao hàng, dịch vụ chặng cuối hay những vấn đề quản lý khác.

Trong thời gian qua, công nghệ logistics vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều khoản đầu tư vào Đông Nam Á. Theo TechInAsia, con số này đang tăng vọt. Tổng giá trị giao dịch của các khoản đầu tư đã tăng hơn gấp ba lần từ năm 2020 đến năm nay - và chúng ta thậm chí còn chưa đi được nửa chặng đường của năm 2021.