COVID-19 đã tạo cơ hội cho nhiều startup ăn lên làm ra nhưng cũng làm suy sụp nhiều startup khác. Vậy ở thế giới hậu COVID-19, các startup nên chọn mô hình tăng trưởng nào cho mình để có thể nắm bắt được cơ hội?

Xóa bài đi chơi lại

Chia sẻ trong webinar Khởi nghiệp thời COVID được tổ chức cuối tháng bảy vừa qua, ông Hùng Trần – Founder của GotIt nhận định: “Xét cho cùng, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, sản phẩm hay dịch vụ công nghệ nào cũng đều phải đáp ứng nhu cầu của người dùng. Nếu không đáp ứng được thì việc ứng dụng vào thực tiễn thế nào, sử dụng công nghệ hiện đại ra sao không mang nhiều ý nghĩa”.

Nhà sáng lập GotIt cũng cho rằng, đại dịch khiến mọi người biết rằng chúng ta chưa hiểu hết về thế giới và giúp nhìn nhận rõ hơn về những điều trước đó không ai tin. Ví dụ trước kia, startup cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến phải vật vã chứng minh và thuyết phục nhà đầu tư về sự cần thiết của công nghệ và mô hình kinh doanh này thì giờ đây, lĩnh vực này tăng trưởng nóng hơn bao giờ hết. Người người học online, trường trường học online.

Giải pháp eKYC của VVN AI đã được chứng minh bằng thực tế khi giúp định danh điện tử cho hàng triệu người dùng.

Ông Bùi Thành Đô – Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư ThinkZone, cũng khẳng định, các startup giáo dục được nhà đầu tư rất săn đón. Quỹ này trong hai năm qua cũng đã đầu tư vào hai startup, mỗi năm các startup đều duy trì mức tăng trưởng 5-6 lần so với năm trước.

Không chỉ có giáo dục trực tuyến mà cả thương mại trực tuyến cũng bùng nổ bởi việc phải ở nhà quá lâu đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Thay vì đến công sở, nhiều người cho biết muốn làm việc từ xa. Theo ông Hùng, điều này mở ra cơ hội mới cho startup tập trung xây dựng nền tảng hỗ trợ mọi người làm việc theo cách mới và xuất hiện mô hình kinh doanh mới. “Khi COVID-19 diễn ra, chúng ta hiểu rằng, ván bài cũ đã được xóa, tất cả chơi lại từ đâu. Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và mang lại cơ hội như nhau, dù đó là công ty lớn hay bé. Những người ngồi làm việc ở gara ôtô hoàn toàn có cơ hội để tạo ra sản phẩm thay đổi thế giới” – ông Hùng Trần nhấn mạnh.

Nói như vậy không có nghĩa là khởi nghiệp thời COVID-19 dễ dàng, ngược lại khó hơn nhiều. Giai đoạn trước dịch, 10 startup thì chỉ có một startup thành công. Giờ đây những bất trắc do COVID mang lại càng khiến startup chật vật hơn. Ông Bùi Thành Đô cho rằng, thực tế thời gian qua, không chỉ startup mà nhiều doanh nghiệp SMEs truyền thống cũng đóng cửa. Startup lại càng dễ thất bại khi đang khai phá con đường chưa ai đi, giải quyết bài toán chưa ai giải quyết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có nhiều nguồn lực hỗ trợ như các thị trường ở Mỹ, châu Âu… “Có muôn vàn cái khó nên thất bại là chuyện bình thường” – ông Đô nói.

Tăng trưởng nhanh và bền vững

Vậy mô hình nào sẽ là phù hợp cho startup sau đại dịch? Trước đó đã có không ít lần, ông Hùng Trần chia sẻ quan điểm rằng ‘mô hình đốt tiền lấy tăng trưởng đã không còn phù hợp’.

Nói về nguyên nhân thất bại thường thấy, ông Bùi Thành Đô cho biết, startup thường đi những hướng đơn giản nhất, người dùng dễ chấp nhận nhất, chiết khấu cao và đổ tiền cho những chiến dịch marketing từ online đến offline để thu hút khách hàng. Hầu hết các startup đều kỳ vọng rằng, khi có đủ lượng khách hàng, họ sẽ đẩy thêm dịch vụ phái sinh để gia tăng giá trị trên một người dùng. Đó là khi mô hình tăng trưởng theo kiểu đốt tiền trở nên bền vững.

Hướng đi này thực tế đã được nhiều công ty làm, như GoJeck sáp nhập với ToKopedia hợp thành tập đoàn Go To Group và thêm dịch vụ Go Financial. Grab cũng tương tự. Tuy nhiên, khi đội ngũ lãnh đạo không tính toán đủ tốt và chèo lái công ty đi đến được điểm lý tưởng này, startup sẽ hụt hơi và chết.

Sau đại dịch mô hình tăng trưởng dành cho các startup nên là “tăng trưởng nhanh và bền vững”. Từ góc nhìn của quỹ đầu tư, trong ba năm qua, ông Bùi Thành Đô cho biết ThinkZone tìm kiếm những startup tập trung vào phát triển giá trị cốt lõi hơn là tạo ra mô hình đơn thuần, dùng tiền đổi lấy tăng trưởng. “Những mô hình đơn thuần giờ đây rất khó gọi vốn trừ khi họ có một team rất mạnh, khi ấy nhà đầu tư đầu tư vào đội ngũ nhân sự hơn là sản phẩm của startup” – ông Bùi Thành Đô nói.

Khi gặp gỡ startup, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới giá trị cốt lõi họ đang theo đuổi, công nghệ lõi họ đang nắm giữ. Nhà sáng lập ThinkZone đánh giá cao tư duy của đội ngũ founder ông tiếp xúc thời gian gần đây khi họ đã có thay đổi rõ rệt, thay vì chỉ giải quyết các bài toán nhỏ trong một chuỗi cung ứng thì họ đã hướng tới giải quyết bài toán lớn của cả một thị trường.

Điều này vừa hay cũng trùng hợp với ý kiến của ông Hùng Trần khi nhắn nhủ “Startup làm giải pháp nào cũng phải tự hỏi “Mình có thể vượt qua biên giới bằng cách nào?” và có thể chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á với 650 triệu dân không? Thực tế, trừ Trung Quốc, Ấn Độ có quy mô dân số đủ lớn thì các nước Đông Nam Á khác nếu không có được thị trường rộng lớn cũng không phải khẩu vị của nhà đầu tư. Lý giải thêm về điều này, ông Bùi Thành Đô cho biết “Về bản chất của khởi nghiệp là phải tăng trưởng mạnh, một startup sau 4-5 năm phải tăng quy mô lên tới 20 lần mới có sức hấp dẫn”. Ông Đô đã từng gặp những startup giải quyết bài toán cloud computing cho thị trường toàn cầu. Dù tăng trưởng nhanh, có lợi nhuận tốt thuộc nhóm dẫn đầu thế giới nhưng do lĩnh vực quá hẹp, dư địa tăng trưởng không nhiều nên nhà đầu tư cảm thấy không quá hấp dẫn.

Thêm vào đó “thế giới sau đại dịch đã không còn như cũ, nên startup phải làm thật nhanh” – ông Hùng Trần nói. Với các ý tưởng được đưa ra, cần phải quyết định nhanh, làm thử nhanh, đo lường năng lực và sự yêu thích của khách hàng nhanh để đưa ra quyết định chơi tiếp hay xóa bài làm lại.

Mô hình này thực tế đã được VVN AI –startup trong lĩnh vưc định danh diện tử, từng đạt giải Nhất cuộc thi Viet Solution năm 2020 thử nghiệm và thành công trong thời gian vừa qua. Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc điều hành, trong 10 năm qua, VVN AI đã tập trung phát triển công nghệ lõi của trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính cung cấp dịch vụ OCR giúp công việc quản lý, biên soạn lại các tài liệu dạng ảnh trở nên đơn giản và thuận tiện. Với nền tảng có sẵn, khi nhận thấy nhu cầu của khách hàng, startup này tiếp tục phát triển thêm dịch vụ YKYC - công nghệ giúp đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua hình thức định danh khách hàng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp. Trước dịch, doanh thu của VVN AI khoảng 500 triệu đồng mỗi tháng với đối tương khách hàng nhỏ, lẻ thì giờ đây, doanh thu của họ không những tăng trưởng mà khách hàng cũng là các ông lớn như Viettel hay Vingroup. “Việc có công nghệ lõi giúp VVN AI tự tin phát triển thêm các sản phẩm khác bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh mà không cần đổ thêm vốn đầu tư, nhất là trong giai đoạn khó khăn”, ông Nguyễn Hoàng Tùng nói.

Những ví dụ trên kể ra để thấy rằng, để tìm kiếm cơ hội thành công, startup giai đoạn tới cần có được chiến lược phát triển theo chiều sâu. Những mô hình kinh doanh không có giá trị cốt lõi sẽ khó tồn tại trong thế giới sau COVID-19. Bởi vậy, khẩu vị mà quỹ đầu tư ở giai đoạn rất sớm (early stage) như Think Zone hướng đến là những starup giải quyết bài toán sâu, có tác động đến cả một lĩnh vực của xã hội, có công nghệ lõi tốt đủ để cạnh tranh và có người dùng. Khách hàng sau lần đầu tiên sử dụng sẵn sằng trả thêm tiền để gia hạn dịch vụ. Đây là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy, sản phẩm giải quyết được nhu cầu của người dùng.

Đơn cử như EMDI – một startup được các nhà khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội, cung cấp nền tảng điều vận chung cho hơn 100 hãng taxi. Hiện EMDI có 18 triệu khách hàng sử dụng mỗi tháng và kết nối với các nền tảng có người dùng như Viettel Pay, Momo… để cung cấp dịch vụ gọi xe. Đây là mô hình giúp không tăng thêm lượng xe hợp đồng cũng như khí thải khi sử dụng chính lượng xe taxi của các hãng chuyển đổi cho nhau.

Ông Bùi Thành Đô nhắc lại: “Startup có giá trị cốt lõi, công nghệ tốt và sản phẩm phù hợp với thị trường, tăng trưởng nhanh và bền vững là hoàn toàn có thể” .