Ba nhà nghiên cứu Việt Nam làm việc tại ĐH Quy Nhơn và ĐH Auburn, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm vi nhựa trong các loài cá phổ biến ở ven biển và là nguồn thực phẩm quan trọng của các cộng đồng địa phương.


Nghiên cứu tập trung vào năm loài cá biển thường gặp là cá bống chấm mắt (Oxyurichthys ophthalmonema), cá cơm thường (Stolephorus commersonnii), cá nục chuối (Decapterus macrosoma), cá phèn một sọc (Upeneus moluccensis) và cá trích xương (Sardinella gibbosa). Các nhà nghiên cứu thu thập năm loại cá này ở bốn địa điểm ven biển Bình Định vào mùa mưa và mùa khô để đánh giá mức độ tích tụ vi nhựa theo mùa, theo vị trí và loài, qua đó hiểu việc cá phơi nhiễm vi nhựa ở môi trường sống và tiềm năng phơi nhiễm vi nhựa ở người thông qua việc ăn cá.

Kết quả phân tích cho thấy có rất nhiều hình dạng, kích thước và màu sắc vi nhựa khác nhau trong hệ tiêu hóa của các loài cá này. Thành phần vi nhựa thường gồm các loại nhựa nhiệt dẻo, dầu tổng hợp PVE, dung môi polydichloroethylene, vải polyester, chất chống dính, chống ăn mòn polyfluoroethylene, và các phụ gia của vật liệu nhựa. Phần lớn chúng đều là polyme tổng hợp, nguyên liệu sản xuất các đồ gia dụng, kính an toàn, đường ống nước, quần áo, sơn chống nóng…

Sự hiện diện của vi nhựa trong hệ tiêu hóa của cá cho thấy vi nhựa có mặt trong môi trường gần bờ biển Bình Định, qua đó đưa địa phương này vào danh sách các vùng bờ biển của Việt Nam có vi nhựa.

Kết quả được miêu tả trong bài báo “Ingestion and accumulation of microplastics in small marine fish and potential human exposure: case study of Binh Dinh, Vietnam”, xuất bản trên Human and Ecological Risk Assessment: An International Journal.