Các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài của tổ chức Save Vietnam’s Wildlife và Nhóm chuyên gia về động vật ăn thịt nhỏ IUCN SSC, Thụy Sĩ đã đưa ra nhận xét này sau hai đợt khảo sát từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020 và từ tháng 11/2020 đến tháng 6/2021.


Vùng đất ngập nước U Minh, nằm trên hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, với hai vườn quốc gia U Minh Thượng và U Minh Hạ là môi trường sống quen thuộc của nhiều loài động vật quý hiếm. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và những hoạt động khai thác của con người đang gây nhiều ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên ở nơi này.

Để tìm hiểu ảnh hưởng của những hoạt động này lên sinh vật quý hiếm như rái cá, mèo hoang và tê tê ở U Minh, các nhà nghiên cứu đã đặt 83 bẫy máy ảnh ở U Minh Thượng và U Minh Hạ ở hai đợt khảo sát.

Kết quả thu được cho thấy cả U Minh Thượng và U Minh Hạ đều có những quần thể loài quan trọng của khu vực Đông Nam Á như loài tê tê Sunda (Manis javanica), rái cá mũi lông (Lutra sumatrana). Tuy nhiên, mèo cá (Prionailurus viverrinus) và cầy giông sọc (Viverra megaspila) từng được ghi nhận ở U Minh Thượng, nay không còn xuất hiện nên có xác suất cao là bị tuyệt giống ở khu vực này. Ngoại trừ một số loài có phạm vi sống rộng hơn, ít nhạy cảm với hoạt động của con người như cầy vòi hương và mèo báo, mọi loài thú ăn thịt nhỏ đều chủ yếu sống ở rừng tràm và rừng tràm ngập nước như U Minh Thượng cũng như vùng đầm lầy và rừng đã bị khai phá ở U Minh Hạ. Các hoạt động của người và chó nhà trong hai thời kỳ nghiên cứu đều có thể ảnh hưởng đến phạm vi sống và việc tiếp cận các nguồn thức ăn.

Kết quả được nêu trong bài báo “Camera trapping in Southern Vietnam: unveiling relative abundance, activity patterns, and conservation challenges of globally threatened pangolins and small carnivores”, xuất bản trên tạp chí European Journal of Wildlife Research.