Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, chủ yếu quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu mà chưa biết cách nhận diện và quản trị tài sản trí tuệ.

Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Thoa, Công ty Luật Apolat Legal tại khóa đào tạo quản trị TSTT: “Nhận diện và quản trị TSTT trong giai đoạn đổi mới sáng tạo” do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN thuộc Cục Công tác phía Nam của Bộ KH&CN tổ chức ngày 23 -24/7 tại TPHCM. Khóa học nằm trong Chương trình "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bà Thoa cho biết, phần lớn các doanh nghiệp đều đăng ký nhãn hiệu, tên hay logo của công ty ngay sau khi mới thành lập. Nhưng họ lại không biết doanh nghiệp của mình còn có những tài sản gì cần bảo hộ. “Khi được chúng tôi tư vấn, họ mới hiểu thêm và biết cách nhận diện, quản trị và khai thác TSTT của mình”, bà Thoa chia sẻ.

Phần lớn doanh nghiệp mới chú ý đến việc đăng ký nhãn hiệu
Phần lớn doanh nghiệp mới chú ý đến việc đăng ký nhãn hiệu Ảnh: Internet

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng Bộ phận tư vấn Quản trị TSTT, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN, cũng cho biết, trong quá trình triển khai chương trình đào tạo từ năm 2017, Trung tâm nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp lúng túng về vấn đề "ai quản trị và quản trị cái gì".

Theo bà Nhung, TSTT vừa vô hình vừa đa dạng và được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,...). Yếu tố tạo nên sự khác biệt về giá trị một công ty không còn nằm ở quy mô các tài sản hữu hình, mà nằm ở các tài sản vô hình này. Việc quản trị các tài sản vô hình giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ các đối tượng được bảo hộ, tạo ra dòng tiền từ các hoạt động cho thuê, chuyển nhượng. Bên cạnh đó, nó còn giúp doanh nghiệp kiểm soát nắm giữ các tài sản quan trọng, bảo vệ doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh, tránh sao chép tác phẩm hoặc sử dụng cải tiến.

Bà Nguyễn Thị Xuân Anh, Phó Trưởng ban quản trị TSTT, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, thì nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc nhận diện và quản trị các TSTT, tài sản vô hình của các tổ chức, doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết. Bởi bảo hộ tốt quyền sở hữu trí tuệ sẽ bảo vệ được hàng hóa, dịch vụ của nhà đầu tư, nhà sáng tạo ra TSTT; đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài.

Học viên được trang bị nhiều kiến thức về TSTT
Học viên được trang bị nhiều kiến thức về quản trị TSTT tại khóa đào tạo. Ảnh: KA

Khóa đào tạo nói trên trang bị nhiều kiến thức cho học viên như: Vai trò của quản trị TSTT trong doanh nghiệp; Sản phẩm trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, TSTT và tài sản vô hình của một tổ chức; Chuỗi giá trị Quyền tác giả; Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và lợi thế pháp lý trong kinh doanh công nghệ mới; Quản trị các bí mật kinh doanh;...

Bà Nhung cho biết thêm, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN đã tổ chức 33 khóa đào tạo với khoảng gần 1.000 lượt học viên về quản trị TSTT tại TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam như Sóc Trăng, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre,... Qua đó, các học viên đã nắm bắt nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực quản trị và kỹ năng khai thác TSTT.