Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc công bố Chương trình chuyển đổi số phản ánh Thành phố chọn con đường phát triển nhanh hơn dựa trên trí tuệ con người, trí tuệ nhân tạo và phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin.

Ngày 22/7, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, Chương trình được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố. Đây là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc chuyển đổi số.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: TL

Tăng chi ngân sách cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc công bố Chương trình chuyển đổi số phản ánh Thành phố chọn con đường phát triển nhanh hơn dựa trên trí tuệ con người, trí tuệ nhân tạo và phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin.

“Thành phố tin vào lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, các trường đại học, viện nghiên cứu” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói và đề nghị, chính quyền thành phố nghiên cứu hình thành trung tâm giới thiệu sản phẩm tư vấn, triển khai dịch vụ số hóa và phát triển các sản phẩm thông minh. Ngoài ra, Thành phố cần có đánh giá tổng kết về tính hiệu quả và chi cho công nghệ thông tin thời gian qua và hướng tới tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt để đưa Chương trình chuyển đổi số hoàn thành nhanh nhất. Đối với kinh tế số, Thành phố sẽ tập trung 10 lĩnh vực trọng tâm là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tào nguồn nhân lực. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và đơn vị phải hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực phụ trách trước ngày 15/8.

Ông Nguyễn Thành Phong , Chủ tịch UBND TPHCM
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM Ảnh: VD

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định, mấu chốt quan trọng để chuyển đổi số thành công là cần sự thay đổi trong nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu các đơn vị. Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số liên quan đến chuyển đổi mô hình, quản trị, mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động, vận hành và nên bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, TPHCM nên chi tiêu nhiều hơn cho chuyển đổi số, bởi hiện tại Thành phố mới chi 0,4% ngân sách cho công nghệ thông tin, trong đó có chuyển đổi số.

Doanh nghiệp đề xuất ý kiến tại Hội nghị
Doanh nghiệp đề xuất ý kiến tại Hội nghị Ảnh: KA

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, đơn vị đồng hành cùng TPHCM xây dựng đề án, chính sách liên quan đến chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số, nêu quan điểm, kho dữ liệu dùng chung là gốc rễ của mọi vấn đề chuyển đổi số. "Chúng tôi mong muốn thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tham gia vào hệ thống dữ liệu của chính quyền nhằm phát huy hiệu quả cao nhất", ông Khoa nói.

Mục tiêu cơ bản đến 2025 của Chương trình bao gồm:

+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên;
+ Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố;
+ Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%;
+ Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%;
+ Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình;
+ Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Mục tiêu cơ bản đến 2030:
+ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
+ Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số;
+ Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%;
+ Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Bên cạnh đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (HCM LGSP) sẽ giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu, thông tin tin cậy được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Đồng thời, việc chia sẻ dữ liệu cũng giảm nguy cơ đầu tư trùng lặp vì xác định rõ được các thành phần, hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử và trách nhiệm, lộ trình triển khai của các cơ quan.