Là một nền kinh tế được đánh giá mở và năng động bậc nhất trong khu vực, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng nên bắt buộc phải cập nhật các xu hướng quốc tế về tăng cường bảo hộ quyền SHTT ở mức cao.

Tài sản trí tuệ cũng ngày càng quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh dư địa phát triển dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ ngày càng thu hẹp.
Đó là ý kiến của ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH&CN trong cuộc trao đổi với KH&PT.

Ông Phan Ngân Sơn.

Các quy định, cơ chế chính sách và hoạt động thúc đẩy bảo hộ, khai thác quyền SHTT có tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu xã hội nói chung cũng như các mục tiêu phát triển bền vững nói riêng. Trong những năm gần đây, các nước trên thế giới và Việt Nam đã có những xu hướng gì nổi bật trong lĩnh vực SHTT, thưa ông?

Trong bối cảnh dư địa phát triển dựa vào tài nguyên và lao động ngày càng cạn kiệt thì nguồn lực phát triển dựa vào tài sản trí tuệ (TSTT) ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy Việt Nam (VN) cũng như tất cả các quốc gia ngày càng quan tâm đến vấn đề SHTT, coi đó là một yếu tố không thể tách rời trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Điều dễ nhận thấy là SHTT trở thành một nội dung chính khi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo (ĐMST). Những xu thế nổi bật trong các chính sách và biện pháp triển khai của các nước thể hiện ở mấy điểm sau:

Các quốc gia đều xác định, khai thác TSTT là một khâu quan trọng trong chu trình sáng tạo, và tập trung nguồn lực để đẩy mạnh khai thác, ứng dụng hiệu quả TSTT; chú trọng tăng cường kết nối giữa các chủ thể (viện, trường – doanh nghiệp).

Các nước đều có xu hướng tăng cường bảo hộ quyền SHTT ở mức cao nhằm bảo vệ lợi ích cho chủ sở hữu quyền SHTT. Những quốc gia có hệ thống SHTT phát triển đã bảo hộ nhiều loại nhãn hiệu phi truyền thống như nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương, và yêu cầu các nước khác cũng bảo hộ thông qua một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, tất cả các nước đều rất quan tâm gắn SHTT với các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Và để làm được điều đó, hệ thống SHTT ở mỗi quốc gia đều phải liên tục hoàn thiện, và còn rất nhiều vấn đề mới mẻ cần phải tiếp tục nghiên cứu và điều tiết giữa hệ thống SHTT của các quốc gia, ví dụ như về quản lý, thực thi quyền SHTT liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn…Thực thi quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số là một trong những thách thức mới mà các quốc gia đang phải đối mặt và điều chỉnh hệ thống SHTT.

Đối với VN - một nền kinh tế được đánh giá mở và năng động bậc nhất trong khu vực, sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng nên bắt buộc phải cập nhật các xu hướng này trên thế giới. Thực tế là thời gian qua chúng ta đã tham gia các FTA mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA) và đang sửa đổi hệ thống các quy định pháp luật về SHTT để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết. Ngay sau khi ký kết các FTA mới, Bộ KH&CN đã kết hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... liên tục tổ chức các hội thảo hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức cập nhật các quy định mới này. Nội dung thúc đẩy TSTT phục vụ phát triển bền vững đã thực sự trở thành mạch xuyên suốt trong hoạt động của Chương trình phát triển TSTT. Nhiều sáng chế Việt để giải quyết các vấn đề môi trường đã được các doanh nghiệp đưa vào sản xuất, ứng dụng trong thực tiễn.

Các Cuộc thi Sáng chế do Cục SHTT phối hợp với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) tổ chức cũng chú trọng tới tôn vinh các sáng chế vì môi trường. Hoặc các dự án hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được thực hiện cũng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương, đóng vai trò rất quan trọng vào phát triển bền vững tài nguyên bản địa của các vùng miền trong cả nước.

Hoạt động chào mừng ngày SHTT thế giới năm 2018.

Như ông vừa đề cập, Chương trình phát triển TSTT (Chương trình) đã góp phần tạo ra một hướng đi mới trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp phát triển TSTT. Ông có thể chia sẻ một số kết quả cụ thể của Chương trình này?

Chương trình đã thực sự lan tỏa, được các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học hưởng ứng, chủ động triển khai. Bên cạnh việc tham gia Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành cơ chế, chính sách, triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển TSTT cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh, cộng đồng của địa phương mình.

Trong giai đoạn 2011-2019, đã có 5.000 số phát sóng về SHTT trên các kênh truyền hình ở trung ương và địa phương, 37.000 người được tập huấn, 10.000 lượt người được đào tạo về SHTT, nếu như giai đoạn 2011-2015, Chương trình chủ yếu tập huấn, đào tạo theo mô hình rộng, cung cấp các kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, cộng đồng thì giai đoạn 2017-2019, việc đào tạo đã được nâng lên ở mức độ cao hơn, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, quản trị tài sản trí tuệ. Chương trình cũng đã hỗ trợ bảo hộ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT, trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn điển hình như Tập đoàn dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam, tập đoàn DABACO…;

Ngoài ra, Chương trình cũng đã hỗ trợ bảo hộ, áp dụng thực tiễn sáng chế cho 51 giải pháp kỹ thuật. Một số dự án điển hình có thể kể đến như Dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích số 935 về quy trình sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega-3 để tạo thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung EPA, DHA chất lượng cao” do Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì thực hiện. Kết quả dự án là áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất thành công viên nang mềm omega-3, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 43/2014/TT-BYT. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nature Việt Nam là doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao giải pháp hữu ích, bố trí kinh phí đối ứng và phân phối sản phẩm. Dự án “Áp dụng sáng chế số 14431 để sản xuất vật liệu và thiết bị xử lý nước uống an toàn sinh học” do Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (chủ sở hữu sáng chế) chủ trì thực hiện. Kết quả dự án là sản xuất thành công 3 sản phẩm xử lý nước uống an toàn sinh học theo sáng chế với đầu ra là chất lượng nước sau khi lọc đạt yêu cầu theo QCVN 01:2009/BYT, bao gồm Bộ khử trùng nước uống cho dân vùng lũ công suất 10 lít/ngày, bộ thiết bị lọc nước gia đình công suất 100 lít/ngày và cột khử trùng nước công suất 2000 lít/ngày. Công ty cổ phần thương mại gốm sứ Bát Tràng bố trí nhà xưởng và tham gia sản xuất sản phẩm, giới thiệu và phân phối sản phẩm sau khi dự án kết thúc. Dự án áp dụng sáng chế số 10277 để xây dựng mô hình xử lý nước thải cho làng nghề sản xuất bánh đa và miến tại thôn Me, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình do Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa chủ trì thực hiện. Kết quả dự án đã thu gom, kiểm soát, xử lý được môi trường nước ô nhiễm từ hệ quả của việc sản xuất thủ công của làng nghề.

Trong giai đoạn 2011-2019, đã có 5.000 số phát sóng về SHTT trên các kênh truyền hình ở trung ương và địa phương, 37.000 người được tập huấn, 10.000 lượt người được đào tạo về SHTT

Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các thành viên trong khuôn khổ dự án EIE” do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức ngày 28/10/2019.

Chương trình cũng đã huy động được một nguồn lực lớn từ xã hội để đầu tư cho công tác phát triển TSTT, trong 10 năm vừa qua, nếu như nhà nước đã hỗ trợ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương, thì có hơn 300 sản phẩm cùng loại được các doanh nghiệp, cộng đồng chủ động bố trí kinh phí, triển khai các hoạt động bảo hộ và khai thác quyền SHTT;

Bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT đã trở thành một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được quy định, đề cập, lồng ghép trong nhiều văn bản, Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nói riêng, như: Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010), Chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010) và Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014), Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018) và rất nhiều các văn bản ban hành các nhiệm vụ, giải pháp triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương trên cả nước.

Tới đây, để thúc đẩy TSTT phục vụ thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho phát triển bền vững, theo ông chúng ta cần chú trọng điều gì?

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như tạo ra nhiều tài sản trí tuệ có giá trị để phục vụ hữu hiệu cho phát triển bền vững, chúng ta cần có sự nỗ lực chung tay của tất cả các chủ thể.

Về khía cạnh sở hữu trí tuệ, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và hình thành văn hóa SHTT trong cộng đồng. Đặc biệt khối doanh nghiệp cần phát huy vai trò trung tâm trong việc tạo ra và khai thác TSTT, cùng đồng hành với các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm, công nghệ giải quyết các vấn đề thiết thực phục vụ phát triển bền vững.

Cũng vì vậy, Chương trình phát triển TSTT cho giai đoạn tiếp theo đang được Cục SHTT chủ trì xây dựng với quan điểm và định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đưa SHTT trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động ĐMST, phát triển công nghệ, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học-công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng tôi đặt mục tiêu và kỳ vọng Chương trình tới đây sẽ thực hiện với quy mô lớn, triển khai sâu rộng hơn so với giai đoạn 2011-2020 nhằm thực thi hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp về bảo hộ, khai thác, quản trị và phát triển TSTT.

WIPO và nhiều tổ chức quốc tế thường liên tục truyền thông về các chiến lược ĐMST phục vụ phát triển bền vững. Tuy nhiên, liệu thông điệp này đã được nhận thức đầy đủ, đúng mức trong các cấp, các ngành cũng như cộng đồng xã hội? Chúng ta cần làm gì để thông điệp này có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới?

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững quốc gia trong hơn một thập kỷ trở lại đây với nhiều chủ trương, chính sách pháp luật mang tính chỉ đạo được ban hành. Trong đó, chúng ta coi ĐMST là công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Có thể nói làn sóng ĐMST đã xuất hiện ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, địa phương phục vụ tăng trưởng kinh tế, xã hội song hành với bảo tồn môi trường tạo động lực phát triển đất nước.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực ban đầu, thì chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế là vẫn có các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững. Do đó, hoạt động ĐMST thiên về tăng trưởng nhanh về kinh tế và ổn định xã hội mà chưa quan tâm tới yếu tố môi trường và chưa đồng đều giữa các vùng, các doanh nghiệp.

Để có thể lan tỏa tinh thần ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta nên tập trung đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ - những người làm chủ tương lai. Đồng thời, chúng ta cũng nên tận dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông kỹ thuật số để mang đến thông tin dễ tiếp cận cho công chúng.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn thông điệp kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới là “Innovate for a Green Future” [Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh] với mục tiêu tạo ra một chiến dịch lấy đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo làm trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. KH&PT trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách phát triển tài sản trí tuệ, các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ và ứng dụng vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển bền vững và mở ra con đường dẫn đến tương lai xanh cho đất nước.