Cuộc thi đã được khởi động vào ngày 29/10 tại TPHCM với chủ đề “Food for Good - Biến đổi lương thực thực phẩm thành động lực thay đổi mới”.

Hult Prize do Ahmad Ashkar sáng lập và nhận sự bảo trợ từ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Liên Hợp Quốc, cùng với trường Đại học Hult International Business School, nhằm tạo bệ phóng ứng dụng cho những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp xã hội. Những mô hình kinh doanh xuất sắc nhất, giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng, sẽ nhận giải thưởng lên đến 1 triệu USD.

Kể từ khi được tổ chức lần đầu vào năm 2009, đến nay, Cuộc thi đã thu hút hơn 1 triệu sinh viên tham gia, cùng hơn 100 ngàn hồ sơ khởi nghiệp.

Năm 2013, ông Hồ Quang Hưng, Giám đốc Hult Prize Khu vực Đông Nam Á, quyết định đưa Cuộc thi về Việt Nam với mong muốn mở ra cơ hội cho sinh viên Việt Nam thử thách mình trong một cuộc thi khởi nghiệp mang tầm quốc tế. Đến năm 2018 - 2019, Hult Prize Việt Nam được mở rộng thành Hult Prize Đông Nam Á.

o
Hồ Quang Hưng giới thiệu về Cuộc thi Hult Prize 2020 - 2021. Ảnh: KA

Với chủ đề năm nay, Hult Prize kỳ vọng phát huy tính sáng tạo của sinh viên để giải quyết các vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải như an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất, chế biến thô, không có giá trị gia tăng nhiều về lương thực; thực phẩm chưa mang hàm lượng dinh dưỡng cao; công nghệ còn lạc hậu; trình độ và kiến thức chung của nông dân chưa cao; biến đổi khí hậu; dịch bệnh..., bằng những mô hình khởi nghiệp bền vững – ông Hưng chia sẻ.

Công nghệ trong nông nghiệp tại Việt Nam còn lạc hâu
Những năm gần đây, nông dân Việt Nam bắt đầu quan tâm đến ứng dụng các công nghệ mới. Ảnh: Internet

Các thí sinh có thể đăng ký dự thi tại trường mình theo học. Vòng loại dự kiến diễn ra từ ngày 1/10 – 31/12/2020, chọn ra 40 đội tốt nhất để đào tạo, huấn luyện (kinh nghiệm xây dựng mô hình khởi nghiệp, chiến thuật bán hàng, thuyết trình dự án,...).

Vòng bán kết và chung kết Hult Prize khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Việt Nam vào tháng 4/2021. Tháng 9/2021, vòng chung kết Hult Prize toàn cầu được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Mỹ. Tùy theo tình hình COVID-19 tại mỗi thời điểm, các hoạt động của Cuộc thi sẽ được tổ chức online hoặc offline.