Giải Nobel Hòa bình vừa được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống lại nạn đói và ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột.

Hình minh họa của Ủy ban Nobel cho WFP.

Năm 2015, xóa đói đã được thông qua là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và WFP là công cụ chính của LHQ để thực hiện mục tiêu này. Trong những năm gần đây, tình hình đã có chiều hướng tiêu cực.

Năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia trong tổng số135 triệu người bị đói cấp tính - con số cao nhất trong nhiều năm. Phần lớn sự gia tăng này là do chiến tranh và xung đột vũ trang.

Đại dịch Covid-19 cũng góp phần làm tăng mạnh số nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Tại các quốc gia như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, dịch bệnh cùng với xung đột bạo lực đã dẫn đến gia tăng đáng kể số người sống trên bờ vực của nạn đói. Đối mặt với đại dịch, WFP đã chứng tỏ vai trò là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Như chính tổ chức đã tuyên bố, "Cho đến ngày chúng ta có vaccine y tế, thực phẩm là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn."

Quan trọng hơn, thế giới có nguy cơ trải qua một cuộc khủng hoảng đói với tỷ lệ không thể tưởng tượng nổi nếu WFP và các tổ chức hỗ trợ lương thực khác không được hỗ trợ tài chính một cách tương xứng.

Mối liên hệ giữa nạn đói và xung đột vũ trang là một vòng luẩn quẩn: chiến tranh và xung đột có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói, cũng như nạn đói và mất an ninh lương thực có thể khiến xung đột tiềm ẩn bùng phát và kích thích bạo lực. Thế giới sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu không còn nạn đói trừ khi cũng chấm dứt chiến tranh và xung đột vũ trang.

Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhấn mạnh rằng việc cung cấp hỗ trợ để tăng cường an ninh lương thực không chỉ ngăn chặn nạn đói mà còn có thể giúp cải thiện triển vọng ổn định và hòa bình. WFP đã đi đầu trong việc kết hợp công tác nhân đạo với nỗ lực hòa bình thông qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Chương trình này đã tham gia tích cực vào tiến trình ngoại giao mà đỉnh điểm là vào tháng 5/2018 khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua Nghị quyết 2417, lần đầu tiên giải quyết rõ ràng mối liên hệ giữa xung đột và nạn đói. Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc trong việc đảm bảo hỗ trợ lương thực cho những người cần hỗ trợ, và lên án việc sử dụng nạn đói như một phương tiện chiến tranh.

Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn hướng con mắt của thế giới về phía hàng triệu người đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với mối đe dọa của nạn đói.

Nguồn: