Giá lương thực – thực phẩm toàn cầu đang đứng trước nguy cơ leo thang do tác động của Covid-19, khiến nhiều quốc gia, nhất là các nước nghèo và đang phát triển, rất dễ lâm vào những cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Chủ tịch IFAD Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh: "Hậu quả từ dịch Covid-19 có thể đẩy nhiều gia đình ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng nghèo, đói ăn và tuyệt vọng hơn. Đây là một mối đe dọa thực sự đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu.” Trong ảnh: Cho đứa trẻ ăn ở Ukhiya, Bangladesh. Covid-19 có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực giảm đói. Nguồn: WFP
Chủ tịch IFAD Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh: "Hậu quả từ dịch Covid-19 có thể đẩy nhiều gia đình ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng nghèo, đói ăn và tuyệt vọng hơn. Đây là một mối đe dọa thực sự đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu.” Trong ảnh: Cho đứa trẻ ăn ở Ukhiya, Bangladesh. Covid-19 có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực giảm đói. Nguồn: WFP

Dấu hiệu tăng giá, trên thực tế đã xuất hiện từ trước đại dịch. Trong số các nguyên nhân, phải kể tới tình trạng biến đổi khí hậu cùng những diễn biến thời tiết cực đoan ở nhiều khu vực; nạn dịch tả châu Phi hoành hành giữa năm 2019 đã giết chết hơn 1/4 đàn lợn của thế giới, làm cho giá thịt tăng ít nhất 15 – 22% tại Trung Quốc; hay nạn châu chấu tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm qua vừa càn quét mùa màng ở Đông Phi, khiến giá ngô – loại lương thực chính tại Kenya – tăng hơn 60%.

Thực phẩm thường chiếm đến 40 – 60 % giỏ hàng tiêu dùng của người dân tại các quốc gia thuộc Thế giới thứ 3 (Third World), một tỷ lệ cao gấp 5 – 6 lần so với những nền kinh tế tiên tiến, cho nên nguy cơ khủng hoảng toàn diện do giá leo thang không phải là không có cơ sở.

Trong lúc thị trường “đóng băng” vì tình trạng khẩn cấp, kéo theo nhu cầu sụt giảm đối với các loại hàng hóa có giá trị sử dụng lâu dài và cả dịch vụ, thì thực phẩm lại hoàn toàn trái ngược. Tâm lý hoang mang đã thúc đẩy nạn đầu cơ tích trữ thực phẩm tại nhiều thành phố, ngay từ những ngày đầu khi mới xuất hiện dịch. Mặc dù nguồn cung tạm thời vẫn khá dồi dào, nhưng các kho dự trữ có thể sớm cạn kiệt do sự gián đoạn của hoạt động sản xuất và phân phối, bên cạnh những rủi ro như thiếu thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, ... gây mất mùa cùng chi phí sản xuất tăng cao. Mặt khác, chính sách hạn chế đi lại xuyên biên giới đã phá vỡ chu kỳ di cư theo thường lệ của người lao động, gây nhiều khó khăn cho các lĩnh vực sản xuất, từ thu hoạch rau củ tại Ấn Độ cho đến những nhà máy thịt tại Hoa Kỳ. Chưa kể, việc đưa sản phẩm ra thị trường lại càng không dễ dàng do sự cắt giảm và trì hoãn trong hoạt động vận chuyển.

Để thích ứng, người sản xuất nông nghiệp buộc phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ, từ bán buôn với khối lượng lớn cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn, trường học – đang tạm thời đóng cửa, chuyển sang những hệ thống tạm hóa và dịch vụ giao hàng tận nhà. Nhưng điều này cần thời gian, bởi các mặt hàng thực phẩm thương mại thường đòi hỏi phải được chuẩn bị và đóng gói theo những quy cách rất khác nhau, bên cạnh nguy cơ hư hỏng nhanh của các sản phẩm tươi sống.

Một số quốc gia sản xuất lương thực lớn đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu hoặc hạn ngạch, chẳng hạn Nga và Kazakhstan với ngũ cốc, Ấn Độ và Việt Nam với gạo, ... trong khi các nước nhập khẩu thì tìm cách tăng cường dự trữ thông qua đẩy mạnh mua hàng, như trường hợp của Philippines (gạo) hay Ai Cập (lúa mì), ... Những biện pháp bảo hộ thường là cách làm được ưa thích để hỗ trợ một bộ phận dân số dễ bị tổn thương bởi các biến động, song sự can thiệp đồng thời của nhiều chính phủ lại mang đến nguy cơ lạm phát giá cả trên toàn thế giới, như câu chuyện giá lúa mì và giá ngô năm 2010 – 2011.

Tâm lý bất an cùng những động thái thiếu hợp lý là điều nên được thông cảm. Covid-19 thực sự đang đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào nguy cơ suy thoái do sự đình đốn trong mọi hoạt động sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, cùng với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, thâm hụt ngân sách và nợ công, ... Trong khi tại các điểm dịch nóng, việc cứu tính mạng và đảm bảo sinh kế cho người dân còn là một cuộc chiến bắt buộc phải lựa chọn đánh đổi. Ngay từ trước Covid-19, nhiều quốc gia thu nhập thấp đã được cảnh báo nguy cơ khủng hoảng nợ, còn số khác thì rất dễ bị tổn thương do giá lương thực – thực phẩm tăng đột biến.

Báo cáo Food Vulnerability Index (Chỉ số tổn thương thực phẩm) do tập đoàn Nomura thực hiện đã xếp hạng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên mức độ nhạy cảm trước những biến động giá lớn, bao gồm cả ảnh hưởng của các yếu tố như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng thực phẩm trong tiêu dùng hộ gia đình, nhập khẩu ròng thực phẩm ... Kết quả cho thấy, có đến 50 nền kinh tế bị xếp vào loại “dễ tổn thương” hoặc “có nguy cơ bị tổn thương”, hầu hết đều là nước đang phát triển và chiếm khoảng 3/5 dân số thế giới.

Do mang tính lũy thoái (regressive), tức vẫn có xu hướng tăng bất chấp thu nhập giảm, cho nên giá thực phẩm leo thang sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Ngay cả tại những nền kinh tế đã phát triển cao, nó cũng đe dọa nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo cùng tình trạng bất bình đẳng. Vì thế, các chính quyền tuyệt đối không thể xem nhẹ mối liên hệ giữa khủng hoảng lương thực – thực phẩm với bất ổn xã hội.

Trong cơn nguy khốn, một số định chế đa phương như World Bank, IMF, ... đã nhanh chóng huy động và cung cấp những khoản vay khẩn cấp cho nhiều nước, nhất là các quốc gia đang phát triển; hay nhóm chủ nợ thuộc câu lạc bộ Paris cũng đồng ý tạm hoãn thi hành nghĩa vụ trả lãi theo đề nghị của những nước nghèo. Nhưng điều này có thể chỉ mang tính tạm thời, vì rủi ro do giá lương thực leo thang sẽ không chừa một ai.

Sau cùng, trước sự tàn phá nghiêm trọng gây ra bởi Covid-19, các chính phủ cần hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và tìm kiếm giải pháp phục hồi cho chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đang gián đoạn, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ từ chủ nghĩa bảo hộ đối với những mặt hàng này.