Ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận bàn giao 13,7ha đất sạch đã được xử lý tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng cho Bộ Giao thông và Vận tải quản lý.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đây là phần đất bàn giao đợt ba và cũng là phần đất cuối cùng được bàn giao để phục vụ cho việc mở rộng Sân bay Đà Nẵng. Buổi lễ đánh dấu việc hoàn thành Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng kéo dài 6 năm với kinh phí 110 triệu USD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện.
Triển khai từ tháng 8/2012, Dự án đã xử lý thành công hơn 90.000 mét khối đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 mét khối đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp.
Đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chụp ảnh trước bia lưu niệm công trình. Ảnh: Nguyễn Thạc Phương
Công nghệ khử hấp thu nhiệt gồm 3 bước chính: xây dựng kết cấu mố kín, nổi trên mặt đất; đào đất, bùn nhiễm dioxin và đưa vào mố; và nung nóng bùn đất tới nhiệt độ cao (tối thiểu 3350C) để tiêu hủy dioxin. Sau xử lý, đất và bùn này được các chuyên gia của Bộ Quốc phòng và USAID xét nghiệm để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xử lý được chính phủ chấp thuận.
Sau đó, bùn đất đã qua xử lý được làm nguội, chuyển ra khỏi mố và được sử dụng làm đất san lấp phục vụ cho việc mở rộng sân bay Đà Nẵng đang được thực hiện.
Ngoài quá trình xử lý khử hấp thu nhiệt, Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID cũng đã hoàn thành việc chôn lấp an toàn khoảng 50.000 mét khối bùn ô nhiễm dioxin ở nồng độ thấp trong bãi chôn lấp được phủ các lớp màng kỹ thuật và đất sạch trong khu vực sân bay.
Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID cũng đã tiến hành lấy mẫu đất, trầm tích sau xử lý để khẳng định kết quả xử lý đạt mục tiêu làm sạch là 150 phần nghìn tỷ (ppt). Đất sau xử lý giai đoạn 1 có nồng độ dioxin thấp hơn 9 ppt và giai đoạn 2 có nồng độ còn thấp hơn nữa (<1 ppt), tức là vượt các mục tiêu đã đề ra của dự án.
Ngoài Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, khu vực sân bay Biên Hòa cũng là một điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Ngày 11/5/2018, USAID đã ký thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam cho khoản đóng góp kinh phí dự kiến là 183 triệu USD để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại khu vực Sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu.
Xử lý ô nhiễm dioxin là một trong các hoạt động mà Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam kể từ năm 2000 nhằm giải quyết những vấn đề về nhân đạo và khắc phục các di sản chiến tranh, bên cạnh hoạt động tháo gỡ bom, mìn, vật nổ và tìm kiếm hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh.