Giáo sư (GS) Võ Quý được biết đến với những nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực đời sống hoang dã cũng như những nỗ lực bảo tồn các quần thể sinh vật nhiệt đới bị tàn phá trong chiến tranh Việt Nam.
“Chúng ta có thể gọi ông là cha đẻ của việc bảo tồn sinh vật ở Việt Nam” - ngài David Hulse, Giám đốc Cơ quan môi trường của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) từ năm 1992-1999, nói.
GS. Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, học trò "kiểm kê" tỉ mỉ, kỹ càng hơn 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. Năm 1975, ông xuất bản tập đầu của cuốn sách 2 tập “Chim Việt Nam” trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh. Đây được coi là cuốn từ điển bách khoa kinh điển về chim của Việt Nam.
Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách khác như “Cuộc sống các loài chim", "Danh mục các loài chim Việt Nam"...; là dịch giả chính của 3 cuốn sách về môi trường đồng thời cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong nước và nước ngoài.
Ông cũng có công thành lập Trung tâm Nghiên cứu môi trường và các nguồn lực thiên nhiên. Đây được coi là chiếc cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi đất nước bị cấm vận.
GS. Võ Quý còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN). Ở trong nước, ông là người đứng đầu hoặc là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức như Tổng Hội Các nhà sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam...
Không chỉ nghiên cứu, ông còn tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường, xóa đói giảm nghèo cho nông dân, bồi dưỡng cán bộ ngành môi trường.