Sở KH&CN TPHCM đang có nhiều hình thức hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của các cá nhân, nhóm khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ.

Thời gian qua, TPHCM đã hỗ trợ cho 21 dự án khởi nghiệp với tổng số vốn khoảng 14 tỷ đồng, có những dự án được hỗ trợ đến 2 tỷ đồng. TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các dự án thông qua những vườn ươm, cùng nhiều những hoạt động khác nhằm phát triển hoạt động khởi nghiệp và đối mới sáng tạo.

Thông tin này được ông Chu Bá Long - Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM), cho biết tại Hội thảo “Nhà khởi nghiệp tương lai - Bạn là ai trong thị trường công nghệ?” do Tạp chí Khám phá phối hợp với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Nguyễn Tất Thành và Vietnam Business Matching tổ chức ngày 3/11 tại TPHCM.

Theo đó, mỗi dự án được chọn sẽ được hỗ trợ tối đa đến 2 tỷ đồng để trả tiền công lao động trực tiếp và sử dụng các dịch vụ cần thiết trong quá trình phát triển kinh doanh như: đào tạo, tiếp thị, quảng bá sản phẩm/dịch vụ, khai thác thông tin công nghệ – sáng chế, tư vấn pháp lý, sản xuất sản phẩm… Sau khi được hỗ trợ để thực hiện các hoạt động trên, các dự án có thể tiếp tục nhận được những hỗ trợ thông qua chương trình phát triển thị trường KH&CN. Các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp được giới thiệu, quảng bá trên sàn giao dịch công nghệ của Thành phố.

Ô
Ông Chu Bá Long - Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ,
Sở KH&CN TPHCM

Đồng thời, Sở KH&CN TPHCM cũng hỗ trợ cá nhân, nhóm khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ (đào tạo miễn phí quản trị viên tài sản trí tuệ), hội thảo khoa học (tối đa 150 triệu/hội thảo), 30% kinh phí dự án sản xuất thử nghiệm, đào tạo miễn phí về năng suất chất lượng,… Riêng những cá nhân, nhóm bạn trẻ đang có ý tưởng, mong muốn khởi nghiệp nhưng chưa có không gian làm việc, có thể đến Saigon Innovation Hub (SIHUB) để được hưởng các hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, đào tạo nâng cao năng lực và công tác kết nối với các cố vấn, nhà đầu tư, cũng như chuyên gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp,….

“Mục tiêu đến năm 2020, TPHCMP sẽ xây dựng được khoảng 1.000m2 không gian làm việc nhằm hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và xây dựng 2 cơ sở ươm tạo theo mô hình quốc tế”- ông Long cho biết thêm.

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Hồng Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech - cho biết, Công ty Hoàng Linh Biotech cũng sẵn sàng đón nhận sinh viên từ các trường đến thực tập, nhằm tạo cơ hội việc làm, phát triển đam mê khoa học để các bạn khởi nghiệp. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ các bạn về nghiên cứu, phát triển sản phẩm nếu có ý tưởng. “Công ty mong muốn các bạn trẻ vận dụng những kiến thức đã được học để làm ra những sản phẩm tốt, ứng dụng trong đời sống, thương mại hóa được trên thị trường trong và ngoài nước. Hoàng Linh Biotech cũng sẵn sàng hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ với những ai quan tâm đến ngành dược liệu"- bà Vân nói.

b
Bà Phạm Thị Hồng Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, theo bà Vân, các bạn trẻ nên đi làm hoặc đến với các doanh nghiệp để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt phải am hiểu công nghệ mà mình muốn đầu tư khởi nghiệp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn đã thành công nên mở lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp các sinh viên hay startup từng bước một ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp.

Ông Phan Phúc Trường – nhà sáng lập chuỗi nhà hàng Âu Oh Vang - thì khuyên các bạn trẻ nên đi làm thuê trước để tích lũy vốn, kiến thức, kinh nghiệm trước khi muốn khởi nghiệp. Nếu khởi nghiệp bằng công nghệ thì việc nghiên cứu sản phẩm và phát triển thị trường phải luôn song hành với nhau. Đối với thị trường Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu, marketing, dịch vụ khách hàng,… nhiều khi quan trọng hơn là nghiên cứu phát triển. “Khi khởi nghiệp, các bạn trẻ cần có chiến lược phát triển rõ ràng, quan tâm nghiên cứu sửa những lỗi của sản phẩm để làm tốt hơn cái đang có và tạo ra sản phẩm mới” – ông Trường nhấn mạnh.