Hai nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, ĐH Tây Nguyên đã xây dựng được một bộ dữ liệu đầu tiên về cộng đồng vi khuẩn nội sinh của cây điều Đắk Lắk.
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2022, Việt Nam có 322.300 ha diện tích trồng, trong đó Tây Nguyên có 83.900 ha. Vì vậy, nếu hiểu được vi khuẩn nội sinh của loại cây này, có thể phát triển được một loại phân bón sinh học mới để sản xuất hạt điều bền vững.
Các nhà nghiên cứu đã dùng bộ kit DNeasy Powersoil để tách DNA bộ gene của vi khuẩn nội sinh từ các mẫu rễ, sau đó tách và khuếch đại các gene rRNA 16S (vùng V1–V9) bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Từ đó, hai nhà khoa học đã thực hiện một số phân tích. Kết quả phân tích phân loại cho thấy Gammaproteobacteria (38,77%) và Alphaproteobacteria (37,76%) là các nhóm chiếm ưu thế trong số các vi khuẩn nội sinh; phân tích chức năng cho thấy sinh tổng hợp (72,78%) là chức năng chính của cộng đồng vi khuẩn nội sinh.
Dữ liệu thu được cung cấp cái nhìn sâu sắc về cộng đồng vi khuẩn nội sinh của hạt điều được trồng ở tỉnh Đăk Lăk. Các tác giả cho rằng, bộ dữ liệu này có giá trị để phát triển hơn nữa một loại phân bón sinh học mới cho cây điều bằng cách sử dụng vi khuẩn nội sinh.
Kết quả được nêu trong bài báo
“16S rRNA metagenomic dataset on endophytic bacterial community of the cashew plant (Anacardium occidentale L.) grown in Dak Lak Province of Vietnam”, xuất bản trên tạp chí
Data in Brief.Bài đăng số 1287 (số 15/2024) KH&PT
T. Nhàn