Lãnh đạo TPHCM muốn thực hiện các cơ chế thử nghiệm sandbox trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bắt đầu với các phương tiện tự hành.
Đầu tháng 4/2024, trong phiên họp xem xét tình hình phát triển kinh tế – xã hội TPHCM quý I và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho quý II, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thúc giục Thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số và triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép thí điểm các cơ chế đặc thù cho Thành phố.
Đối với Nghị quyết 98, ông Mãi yêu cầu tập trung hoàn thiện hồ sơ để trình triển khai cơ chế
thử nghiệm sandbox trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo ông, trước hết, Thành phố có thể ban hành cơ chế thử nghiệm với lĩnh vực máy bay không người lái, xe không người lái và sẽ tính toán thêm với wifi.
Cùng với đó, Thành phố sẽ tổ chức hoàn thiện đề án kiểm soát khí thải giao thông. Đây là nội dung quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết 98, góp phần giải quyết vấn đề phát triển bền vững.
Việc thử nghiệm các phương tiện không người lái và các lĩnh vực công nghệ khác đã được Sở KH&CN
đề xuất từ năm ngoái, dự kiến triển khai trong các khu công nghệ, trung tâm sáng tạo. Các doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm sẽ được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách và được hỗ trợ pháp lý trong việc xin giấy phép trong và ngoài thẩm quyền của UBND.
Theo Sở KH&CN, công nghệ được thử nghiệm phải được thiết kế, xây dựng khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Công nghệ cũng phải được cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho thành phố.
Trao đổi với
Khoa học & Phát triển cuối tuần trước, anh Trần Thiên Phương, đại diện công ty
MiSmart chuyên sản xuất máy bay không người lái, có niềm tin lớn rằng chính sách sandbox này sẽ sớm đi vào thực tế.
"Chúng tôi vừa được nói chuyện với các lãnh đạo Thành phố và họ hứa sẽ dành khoảng 3.000 m2 trong Khu Công nghệ cao Saigon Hi-tech Park - tương đương với khoảng bốn sân bóng mini - để thử nghiệm bay không cần xin giấy phép. TPHCM rất ủng hộ các công ty khởi nghiệp và thường hành động nhanh. Có lẽ chỉ khoảng cuối tháng này hoặc đầu tháng sau là chúng tôi sẽ được tiếp cận khu thử nghiệm", anh chia sẻ.
Đối với các công ty sản xuất drone/UAV, việc xin giấy phép bay để thử nghiệm sản phẩm là khá khó khăn. Mỗi lần cất cánh là một lần phải xin phép. Dù có sự ủng hộ của Bộ Quốc Phòng để phát triển các công nghệ lưỡng dụng nhưng MiSmart vẫn phải mất vài ngày đến vài tuần để xin phép bay.
"Các thủ tục này có thể làm chậm quá trình nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp", anh Phương nói. "Nếu có khu thử nghiệm riêng, chúng tôi có thể bay liên tục, sáng quyết định thử chiều bay được luôn, như vậy việc kiểm tra sản phẩm sẽ rất nhanh. Chẳng hạn, MiSmart đang phát triển các ứng dụng bay quan sát lưới điện và trạm viễn thông. Chúng tôi có thể dựng hai cột mô phỏng các trạm viễn thông để UAV theo dõi mỗi ngày. Hoặc chúng tôi cũng có thể theo dõi xe cộ di chuyển trong khu thử nghiệm để phát triển các ứng dụng giám sát giao thông realtime."