Nhà nghiên cứu Trần Bình Đa (Trường ĐH Lâm nghiệp) và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế Australia, Indonesia, Singapore, Nam Phi, Mỹ và Mexico đã tìm ra tiềm năng vô giá của các bãi triều trong việc thu giữ carbon.

Nghiên cứu “All tidal wetlands are Blue Carbon ecosystems” (Tất cả các vùng đất ngập nước triều dâng đều là những hệ sinh thái Carbon xanh), được xuất bản trên tạp chí BioScience. Nó nhấn mạnh vào những cơ hội không ngừng gia tăng cho các dự án Carbon xanh với bảo tồn, phục hồi và cải thiện quản lý cho những vùng đất ngập nước đang bị đe dọa.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các việc quản lý các vùng đất ngập nước ven biển là một trong những hành động hứa hẹn nhất để giảm thiểu khí nhà kính và cũng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Một trong những sự lựa chọn này là thông qua các dự án carbon xanh, với việc quản lý rừng ngập mặn, đầm lầy ngập mặn, cỏ biển để tăng cường khả năng cô lập carbon và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Tuy vậy, những bài triều mà ít người để ý lại ẩn chứa các đặc điểm của một vùng có khả năng lưu trữ carbon xanh.

Những vùng đất ngập nước đó có ở Mỹ, Australia, các khu rừng chuyển tiếp giữa bãi biển và đất liền ở Đông Nam Á, và các khu rừng ở cửa sông ở Nam Phi. Chúng cũng tương đồng, thậm chí còn có tiềm năng thu giữ carbon còn lớn hơn và làm giảm phát thải khí nhà kính hơn so với các hệ thống carbon xanh mà người ta đã biết và đã được khai thác nhiều.

Trong bài báo của mình, các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả các vùng đất ngập nước này đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của thủy triều đều có thể được xem xét là vùng carbon xanh. Do đó, việc bảo vệ và phục hồi thông qua bù đắp carbon có thể làm giảm thiểu phát thải trong khi vẫn đem lại nhiều đồng lợi ích, bao gồm cả giữ gìn sự đa dạng sinh thái.