Các hoạt động sản xuất, trồng trọt ở đô thị và nông thôn ở đồng bằng sông Hồng là nguyên nhân gây ô nhiễm nitrate cho hệ sinh thái thủy sinh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn ít bằng chứng về điều này.
Do đó, PGS. TS Trịnh Anh Đức (Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện NLNTVN) và các nhà khoa học ở Viện Hóa (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Khoa Hóa (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN), ĐH Điện lực, Viện nghiên cứu Các nguồn sinh học biển và nước trong đất liền Hy Lạp, Cục Địa chất Anh, ĐH Nottingham và Viện Sinh thái Hà Lan đã sử dụng các đồng vị bền của nitrate và nước để 1) đánh giá nitrate (NO3−), các nguồn và quá trình chi phối nitrate trong nước và 2) đánh giá sự trao đổi chất của hệ sinh thái nước ở đồng bằng sông Hồng.
Cũng như nhiều vùng đồng bằng trên khắp thế giới, đồng bằng sông Hồng là nơi có nhiều hoạt động nhân sinh tạo ra ô nhiễm nitrate và những thay đổi trong trạng thái chuyển hóa của các hệ sinh thái nước. Do đó, các nhà nghiên cứu đã kết hợp đồng vị bền và giám sát tính chất vật lý – hóa học để kiểm tra và đánh giá hiện trạng và những quá trình liên quan.
Sử dụng các thành phần đồng vị bền nước sông, họ đã nhận diện được sự nổi trội của nitrate với các nguồn như 1) nước rỉ từ đất, 2) chất thải sinh hoạt từ khu vực đô thị, và 3) amoni (NH4+) là các loại thuốc trừ sâu từ các cánh đồng canh tác lúa.
Tác động của mỗi nguồn phụ thuộc vào vị trí địa lý trong đồng bằng sông Hồng và thời gian trong năm, tùy thuộc vào các hiệu ứng pha loãng và tập trung trong thời kỳ mùa mưa và mùa khô. Nguồn chính của nitrate từ thượng nguồn là nước rỉ từ đất tự nhiên với những nhánh sông kết nối với dòng chính của sông Hồng.
Ở khu vực giữa của đồng bằng sông Hồng, ô nhiễm đô thị từ phân và nước thải ở mức cao nhất, chiếm tới 50% nitrate trong mùa khô. Nitrate từ phân bón ở đây cũng cao, liên quan đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chỉ số từ các đồng vị bền chỉ dấu sự trao đổi chất trong nước diễn ra một cách tự nhiên nhưng tỉ lệ cao của vật chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học từ chất thải sinh hoạt chưa được xử lý và các mức cao của nhu cầu ô xy trầm tích (SOD), nhu cầu ô xy hóa học (COD) khiến toàn bộ hệ t thống sông thiếu ô xy. Vì vậy cần có những giải pháp để cải thiện chất lượng nước cho người dân đồng bằng sông Hồng.
Kết quả được nêu trong công bố “
Identifying the controls on nitrate and metabolic state within the Red River delta (Vietnam) with the use of stable isotopes”, tạp chí
Journal of Hydrology.
Bài đăng số 1283 (số 11/2024) KH&PT
T. Nhàn