4 dự án khởi nghiệp đã thuyết phục được các nhà đầu tư rót vốn và xem xét hỗ trợ ngay tại chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2019” do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (IEC) thuộc Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP) tổ chức ngày 15/10 tại TPHCM.
Các dự án này thuộc các nhóm khởi nghiệp bước ra từ Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2019”. Đây là Cuộc thi thường niên do ITP tổ chức, dành cho sinh viên trong và ngoài Đại học Quốc gia TPHCM, với mục đích hỗ trợ khởi nghiệp, giúp sinh viên nâng cao nhận thức, khám phá và trải nghiệm thực tiễn hoạt động khởi nghiệp.
Theo TS Nguyễn Anh Thi – Giám đốc ITP, CiC 2019 đã tiếp cận hơn 600.000 sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học trên cả nước và thu hút 200 dự án khởi nghiệp với hơn 500 sinh viên tham dự. Trải qua ba vòng thi, 7 nhóm xuất sắc đoạt giải chung cuộc CiC 2019 và 9 dự án tham gia Chương trình gọi vốn. "Nhằm tiếp tục hỗ trợ ươm tạo và phát triển các dự án tiềm năng, IEC tổ chức chương trình Gọi vốn đầu tư để các nhóm này có thể tìm được nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ ươm mầm cho nhóm dự án thực thi ý tưởng của mình" - ông Thi cho biết.
Dự án Acoustic - Ứng dụng trải nghiệm nhạc cụ tại các quán cà phê giành giải Nhất cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp CiC 2019 được quỹ đầu tư VinaCapital cam kết đầu tư 1 tỉ đồng. Tham gia chương trình gọi vốn, dự án này được nhà đầu tư Phạm Nam Phong - CEO Công ty Điện mặt trời Vũ Phong, quyết định đầu tư từ 140 - 200 triệu đồng với điều kiện là sử dụng nguồn tiền trong việc triển khai lớp học nhạc cụ tại các quán cafe. Ngoài ra, ông Nguyễn Hà Mạnh - Chủ tịch Công ty đầu tư Nguyễn Hà - cũng cam kết hỗ trợ miễn phí hạ tầng, các quán cafe cũng như nhạc cụ để dự án này có thể triển khai trong thực tế.
Với dự án này, nhóm sinh viên đã tận dụng thời gian nhàn rỗi của các quán cà phê vào ban ngày để giúp sinh viên học nhạc, chơi nhạc, thảo luận về âm nhạc với chi phí thấp. Qua đó, nhóm phát triển nền tảng website nhằm kết nối sinh viên và các chủ phòng trà. Hiện nay, các thành viên nhóm đang phát triển website và ứng dụng di động để có thể sớm cho ra mắt trong thời gian tới.
Dự án "BLAKE - Thương mại hóa và chuyển giao các sản phẩm Khoa học công nghệ" được nhà đầu tư Phạm Nam Phong quyết định đầu tư 100 triệu đồng với 10% cổ phần. Dự án BLAKE xuất phát từ nền tảng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano bạc tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM Sau hơn 2 năm nghiên cứu, dự án đã cho ra mắt thị trường những sản phẩm ứng dựng công nghệ nano bạc như: nước giặt, nước rửa chén, nước lau sàn, xịt giày... nhận được phản hồi tích cực từ phía người dùng. Hiện tại dự án đã cho ra mắt sản phẩm và đang trong thời gian thương mại thử nghiệm.
Ngoài ra hai dự án Pathfinder và dự án Trồng thanh long sinh thái trên vùng đất ngập mặn cũng nhận được sự xem xét đầu tư vốn của các nhà đầu tư.
Pathfinder là dự án dựa trên nền tảng công nghệ được game hóa nhằm hỗ trợ sinh viên công nghệ thông tin phát triển và xác thực các kỹ năng chuyên ngành, giúp họ kết nối với cộng đồng công nghệ thông tin và tiếp cận các cơ hội (thực tập, nghề nghiệp) từ nhà tuyển dụng. Đồng thời, các nhà tuyển dụng sử dụng nền tảng để đăng tuyển, qua đó cắt giảm được quy trình tuyển dụng.
Dự án Trồng thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn: Với giống thanh long mới cho trái ngọt thanh hơn thanh long ruột đỏ, ít hạt, vỏ màu tím sen, hiện đã được trồng thử nghiệm 5 năm trồng ký sinh trên cây mắm vùng ngập mặn. Ngoài trồng thanh long, dự án dự định sẽ phát triển thêm du dịch sinh thái ở vùng đất này.
Theo các nhà đầu tư, để kêu gọi được vốn đầu tư cũng như thu hút đơn đặt hàng nhiều hơn, dự án cần xây dựng mô hình mẫu, sản phẩm thử nghiệm. Đồng thời, các dự án nên phát triển thêm các sản phẩm, giải pháp khác hơn là chỉ đưa ra một sản phẩm hay giải pháp trong chương trình gọi vốn.