15 năm qua, Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM (ITP) đã vận dụng nhiều mô hình khác nhau để phát triển, từ tổ chức KH&CN định hướng nghiên cứu ứng dụng, doanh nghiệp spin-off, đến hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đầu tiên là mô hình lấy việc phát triển các tổ chức KH&CN định hướng nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm. Gắn với đó là sự hình thành của các tổ chức KH&CN trực thuộc như Trung tâm Địa Tin học (GeOC), Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) và Phòng thí nghiệm An ninh thông tin (Iselab).

Trong giai đoạn này, tổng số người làm việc tại ITP lên đến hơn 700 người trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bước đầu hình thành nên một cộng đồng gồm trường, viện và doanh nghiệp khá đông đảo tại ITP.

PGâ.TS. Huỳnh Thành Đạt trao tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân thuộc ITP
PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt trao tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân thuộc ITP

Năm 2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 115, ITP đã chuyển sang hoạt động theo mô hình tổ chức KH&CN công lập tự đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Hoạt động của ITP giai đoạn này theo định hướng lấy việc hình thành các doanh nghiệp spin-off (doanh nghiệp khởi nghiệp do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu chính) làm trung tâm nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo của các nhà nghiên cứu.

Năm 2013, ĐH Quốc gia TPHCM định hướng xây dựng ITP trở thành Khu CNTT tập trung theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực TPHCM trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.

Năm 2014, ITP ký kết hợp tác với Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) để thành lập chuỗi QTSC, tập trung thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

IPT ký kết hợp tác với các đối tác
IPT ký kết hợp tác với các đối tác

Đến nay, tại ITP cơ bản đã hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là nơi tập trung của hơn 40 doanh nghiệp khởi nghiệp ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Tổng số người làm việc tại ITP hiện tại khoảng hơn 700 người.

Thời gian qua, ITP đã trao gói hỗ trợ khởi nghiệp cho trên 60 startup, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, tổng giá trị hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp vào khoảng hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, ITP đã giới thiệu và mang đến trên 700 việc làm, hơn 500 cơ hội thực tập cho sinh viên mỗi năm. Từ năm 2016 cho đến nay, ITP đã có khả năng tự đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập được ITP tổ chức ngày 2/5, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, trong suốt hành trình, ITP luôn kiên trì kiến tạo một môi trường kết nối năng động và hiệu quả giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh ngay trong lòng khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM.

Trong giai đoạn mới, ITP được ĐH Quốc gia TPHCM giao chủ trì thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như xây dựng hệ thống thông tin quản lý ĐH Quốc gia TPHCM, xây dựng khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM thành khu đô thị thông minh.

ITP cũng là đầu mối triển khai hợp tác với TPHCM trong triển khai xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố. “Trong giai đoạn mới, trách nhiệm đặt trên vai ITP là rất lớn. Với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ và dám làm, ITP sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” – PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt bày tỏ tin tưởng.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thi - Giám đốc ITP
PGS.TS. Nguyễn Anh Thi - Giám đốc ITP

PGS.TS. Nguyễn Anh Thi – Giám đốc ITP cho biết, trong 5 năm tới, ITP sẽ tập trung phát triển năng lực cốt lõi về công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của ĐH Quốc gia TPHCM, cũng như xây dựng khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM trở thành khu đô thị thông minh. “Mục tiêu ở ITP trong 5 năm tới là trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở phía Đông TPHCM” – ông Thi nói.

Tại lễ kỷ niệm, ITP cũng đã ký kết với các đối tác như Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB), Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp Đồng Tháp, Sở KH&CN Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp,… trong thực hiện các hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học,…