Nhiều nghiên cứu, sản phẩm công nghệ đã và đang ứng dụng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được trình bày tại Hội nghị KH&CN lần thứ 16 của Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Ngày 15/10, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã tổ chức Hội nghị KH&CN lần thứ 16 với chủ đề “Xã hội xanh và thông minh”. Hội nghị là nơi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực đang được chính phủ và toàn xã hội quan tâm gần đây như thành phố thông minh, công nghệ thông minh, Internet vạn vật, chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển xã hội thông minh,…
PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Nhà trường - cho biết, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đang phấn đấu để trở thành một trường đại học sáng tạo, tiên phong và chủ động hội nhập quốc tế. Các mục tiêu chiến lược của trường bao gồm quản trị hiệu quả các nguồn nhân lực; thu hút đội ngũ cán bộ viên chức có chất lượng cao, xuất sắc trong đào tạo, KH&CN. Với phương châm này, thời gian gần đây, nguồn lực tài chính chủ yếu được nhà trường tập trung đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp các phòng thí nghiệm trọng điểm, phát triển nhóm nghiên cứu mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cải tiến quy trình quản lý hoạt động KH&CN. “Thành quả của quá trình đầu tư này là các kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, được cộng đồng quốc tế công nhận. Các hướng nghiên cứu đa dạng, bám sát nhu cầu xã hội, sản phẩm công nghệ phong phú và có khả năng chuyển giao vào thực tiễn” – TS Mai Thanh Phong nói.
Hội nghị đã nhận gần 700 báo cáo từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày những nghiên cứu mới thuộc 74 phân ban như vật lý kỹ thuật, khoa học máy tính, tự động hóa, cơ – điện tử, vi mạch và hệ thống, công nghệ năng lượng, robot,…, cũng là những nghiên cứu đã và đang được ứng dụng.
Trong đó, Trường ĐH Bách khoa TPHCM có một số nghiên cứu đáng chú ý như: Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng đèn LED; Tích hợp hệ thống, phát triển và chế tạo các thiết bị truyền thông vô tuyến siêu cao tần, hệ thống IoT; Hệ thống cung cấp thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực trên web và ứng dụng trên các thiết bị di động; Hệ thống thu thập dữ liệu từ cộng đồng qua thiết bị di động giúp phòng chống ngập lụt tại TPHCM;….
Từ các nghiên cứu, nhiều sản phẩm công nghệ đã được phát triển và chuyển giao vào thực tiễn như Phần mềm dự báo phụ tải cho Tổng Công ty điện lực miền Nam; Xử lý hệ thống nhận tín hiệu sét để triệt tiêu hư hỏng các linh kiện tại phòng phát sóng khi có tín hiệu sét đánh vào ăn ten (Đài Truyền hình TPHCM); Hệ thống mẫu cho nông trại thông minh (Công ty Sorimachi Việt Nam); Máy cân bằng và máy gia công vạn năng được điều khiển bởi bộ CNC được chuyển giao cho Xưởng sửa chữa máy bay Tân Sơn Nhất, Xưởng sửa chữa tàu lửa Sài Gòn,…
Tại hội nghị, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã ký kết hợp tác với UBND tỉnh Đồng Tháp về các lĩnh vực nghiên cứu và chia sẻ tiềm lực KH&CN, tư vấn kỹ thuật, công nghệ tại địa phương. Ngoài ra, Nhà trường cũng ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Bóng Đèn Điện Quang về nghiên cứu KH&CN, ứng dụng phù hợp cho các sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện. Trước đó, Nhà trường và Công ty cũng đã ký kết hợp tác triển khai dự án “Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED”, nhằm chủ động trong việc cải tiến và nâng cấp hệ thống chiếu sáng TPHCM, phát triển phần mềm tự động quản lý hệ thống chiếu sáng theo các kịch bản yêu cầu.
Những sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua của nhà trường cũng được trưng bày trong khuôn khổ Hội nghị.