Vượt qua 75 đội thi trên cả nước, ba dự án sử dụng công nghệ Internet vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng vào lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, quảng cáo và chăm sóc sức khỏe đã đoạt giải Nhất của Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019.

Ngày 11/10, vòng chung kết cuộc thi AioT Smart Cities 2019 với chủ đề “Thông minh hơn cho cuộc sống tốt hơn” được tổ chức tại TPHCM. Đây là Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức bởi Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (QTSC Incubator), dưới sự bảo trợ của Sở KH&CN TP.HCM.

Các đội trình bày dự án của mình tại Vòng Chung kết     Ảnh: KA
Các đội trình bày dự án của mình tại Vòng Chung kết Ảnh: KA

Kết quả, 3 dự án đoạt giải Nhất ở các bảng gồm:

Dự án Digi Ads (trị giá 40 triệu đồng) do Nguyễn Bách Việt là trưởng dự án đã sử dụng AI để phân tích hành vi khách hàng trên các bảng quảng cáo công cộng. Máy tính sẽ xác định thời gian, hành vi xem quảng cáo của người dân để có thể thực hiện việc quảng cáo theo nhu cầu khách hàng. Dự án cũng sử dụng một thiết bị smart box kết nối nhiều màn hình quảng cáo với nhau để phát các loại quảng cáo theo sở thích và nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, khách hàng có thể tương tác trực tiếp với các bảng quảng cáo bằng cách quét mã QR Code để trực tiếp mua hàng nếu thấy thích sản phẩm được quảng cáo, đặt mua và vận chuyển hàng thông qua bảng quảng cáo,...

Ban tổ chức trao giải cho các đội thi
Ban tổ chức trao giải cho các đội thi Ảnh: HCA

Dự án “Phần mềm Giải pháp truy xuất nguồn gốc trên nền tảng công nghệ Blockchain” (trị giá 40 triệu đồng) của Công ty Infinity Blockchain Labs, sử dụng công nghệ blockchain để gia tăng giá trị của nông sản. Theo đó, mỗi loại nông sản sẽ được định danh bằng một mã QR code và khi quét vào mã này, toàn bộ thông tin về các công đoạn của quy trình sản xuất sẽ hiện ra. Các quy trình này đều phải tuân theo một tiêu chuẩn nhất định và không thể thay đổi thông tin vì sử dụng công nghệ blockchain. Theo công nghệ này, Nhóm đã hợp tác với đại lý và nông dân xuất khẩu xoài đi Mỹ theo tiêu chuẩn GS1.

Trải nghiệm khám bệnh từ xa của Dự án
Trải nghiệm thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa Ảnh: KA

Dự án “Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa” của nhóm giảng viên ĐH Y dược TPHCM (trị giá 20 triệu đồng) sử dụng IoT để phục vụ việc châm cứu, vật lý trị liệu cho người bệnh từ xa. Bệnh nhân chỉ cần thuê thiết bị châm cứu và sử dụng công nghệ IoT kết nối bệnh nhân và bác sỹ tại nhà mà không cần phải đến bệnh viện. Sau khi thu được dữ liệu từ bệnh nhân, bác sỹ phân tích và đưa ra những mô hình điều trị cho bệnh nhân. Dự án đang được thử nghiệm và cho kết quả tốt tại bệnh viện ĐH Y dược TPHCM.

Ông Vũ Anh Tuấn – Giám đốc QTSC Incubator, Trưởng Ban Tổ chức, cho biết: “AIoT & Smart Cities 2019 được tổ chức nhằm mang đến cho các sinh viên, doanh nghiệp trong và ngoài ngành CNTT không gian giao lưu, sáng tạo, chia sẻ các xu hướng KH&CN trên thế giới như AI, IoT,… Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp; khơi nguồn ý tưởng – phát triển sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo," ông Tuấn chia sẻ. Bên cạnh tìm kiếm những ý tưởng mới, cuộc thi còn hướng đến giải quyết các bài toán cụ thể của từng doanh nghiệp, tổ chức theo đơn đặt hàng.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, thì cho biết, các dự án có ý tưởng hoặc muốn hoàn thiện sản phẩm tốt hơn có thể tham gia ươm tạo từ 6 tháng đến 2 năm trong Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp) của Sở KH&CN. Ngoài ra, Sở cũng có thể xem xét cấp kinh phí hỗ trợ cho các dự án tham gia vào Chương trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.