Nguyên nhân các vi phạm an toàn thực phẩm chưa được xử lý hiệu quả dù được báo chí phản ảnh nhiều và được phản ảnh tại hội thảo" Hợp tác truyền thông an toàn thực phẩm" chiều 5/4


Lâu nay, việc truyền thông về thực trạng an toàn thực phẩm (ATTP) được toàn xã hội hết sức quan tâm. Nhà nước và các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này, tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế.

Toàn cảnh hội thảo hợp tác truyền thông an toàn thực phẩm
Toàn cảnh hội thảo hợp tác truyền thông an toàn thực phẩm

Phát biểu tại hội thảo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đồng tổ chức, bà Bùi Việt Nga - Phó Cục trưởng, khẳng định đóng góp của các cơ quan báo chí cho công tác truyền thông rất đáng kể.

"Ba tháng một lần, Cục ATTP đều tổ chức họp mặt định kỳ báo chí để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Thời gian quan, kiến thức của người dân, nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh đã được nâng lên nhiều. Tuy nhiên, từ kiến thức chuyển đổi sang hành vi vẫn là vấn đề lớn. Nhiều người sản xuất kinh doanh hiểu thế nào là thực phẩm an toàn, nhưng trong thực tế họ chưa làm được vì vấn đề lợi nhuận" - bà Nga nói.

Còn theo ông Tuấn Anh - phóng viên Trung tâm sản xuất tin tức VTV24 (Đài truyền hình Việt Nam), người thực hiện một số phóng sự về ATTP thời gian gần đây, báo chí đã phản ảnh nhiều nhưng công tác xử lý vi phạm ATTP chưa hiệu quả là bởi nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của các bên liên quan.

Ông Tuấn Anh phân tích, lâu nay, hầu như cơ sở vi phạm bị xử phạt là chính còn các cơ quan chức năng, quản lý liên quan trên địa bàn gần như rất ít khi bị xử lý, mặc dù trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan quản lý đã được quy định rất rõ trong Luật An toàn thực phẩm hiện nay.

Tại một hội nghị của Chính phủ với các địa phương, nhiều người cho thấy họ vẫn hiểu về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi xảy ra vi phạm ATTP theo tinh thần của luật cũ trước năm 2010, khi nói sản phẩm của ruộng, chuồng của Bộ Nông nghiệp, chợ của Bộ Công Thương, bàn ăn của Bộ Y tế. Nghĩa là một sản phẩm thực phẩm vi phạm thì cơ quan nào cũng phải chịu trách nhiệm - từ nơi trồng trọt, chăn nuôi cho đến lúc lên bàn ăn - ông Tuấn Anh kể lại.

Điều này, theo ông Tuấn Anh, dẫn tới tình trạng cha chung không ai khóc, nghĩa là không ai chịu nhận trách nhiệm về mình khi xảy ra vi phạm. "Việc đá bóng trách nhiệm cũng xảy ra thường xuyên khi mà chúng tôi đi làm thực tế."

Hình ảnh những con lợn đã chết bị chủ cơ sở giết mổ ở Cao Bằng xả thịt làm thịt hun khói. Ảnh: Lao Động
Hình ảnh những con lợn đã chết bị chủ cơ sở giết mổ ở Cao Bằng xả thịt làm thịt hun khói. Ảnh: Lao Động

Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, theo luật ATTP sửa đổi, việc quản lý được thực hiện theo ngành dọc. Nghĩa là với mỗi sản phẩm, gần như chỉ có một ngành chịu trách nhiệm quản lý từ khâu sản xuất kinh doanh đến bao bì đóng gói.

Chẳng hạn, như đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng thì thuộc trách nhiệm quản lý của ngành y tế. Các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột… thì thuộc ngành công thương.

"Khi mà nắm rõ quy định như vậy thì đối với mỗi vụ việc, cơ quan truyền thông sẽ xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, ngành, việc chất vấn rất đúng trọng tâm và có được những câu trả lời cần có. Khi cơ quan quản lý muốn đá trách nhiệm sang ngành khác thì cũng không được," ông Tuấn Anh chia sẻ.

Ông dẫn ra ví dụ, việc sử dụng chất cấm salbutamol trong ngành chăn nuôi bị phát hiện, theo luật định, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về ngành nông nghiệp khi không kiểm soát được các khâu quá trình chăn nuôi. Sau đó, căn cứ vào các quy định tiếp theo để xác định trách nhiệm của ngành y tế khi để lọt lượng lớn salbutamol ra thị trường và bị sử dụng sai mục đích.