Đó là nhận định của bà Delphine Marie Vivien tại Hội thảo “Vai trò của chỉ dẫn địa lý trong phát triển kinh tế địa phương” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 4/4 tại TPHCM.

Bà Delphine Marie Vivien đến từ Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển – CIRAD (Pháp) cho biết, hiện ở Việt Nam, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) chưa được sử dụng nhiều và khai thác hiệu quả trong thương mại.

Người tiêu dùng Việt Nam đã quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhưng việc dán nhãn những sản phẩm an toàn, hữu cơ,... lại ít thấy thông tin về CDĐL - tức chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ một địa phương, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý. Đây là điều đáng tiếc và lãng phí khi phải bỏ công sức, tiền bạc ra để được chứng nhận CDĐL nhưng lại ít quan tâm, sử dụng.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dùng chỉ dẫn địa lý cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm được cấp CDĐL còn yếu - theo bà Delphine Marie Vivien.

b
Delphine Marie Vivien chia sẻ kinh nghiệm trong việc khai thác và sử dụng CDĐL.

Có giao quyền mới hiệu quả

Để khai thác tối đa hiệu quả của CDĐL, bà Delphine Marie Vivien cho rằng, trước tiên cần nâng cao nhận thức cho người dân và người trồng, sản xuất và kinh doanh về lợi ích, tầm quan trọng của CDĐL.

Đồng thời, cần quản lý vùng trồng, sản xuất sản phẩm hợp lý, theo đó, nên giảm bớt diện tích những vùng trồng không đủ tiêu chí hoặc mở rộng diện tích sản xuất nhưng phải đảm bảo chất lượng và giữ uy tín cho sản phẩm đã được cấp chứng nhận CDĐL.

Ngoài ra, các địa phương nên chú trọng việc đăng ký CDĐL cho các sản phẩm đã qua chế biến và chú trọng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường – bà Delphine Marie Vivien nhấn mạnh.

Bà Delphine Marie Vivien còn cho rằng, nên thành lập các hiệp hội các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh trước khi làm các thủ tục để xin cấp chứng nhận CDĐL cho sản xuất. Theo bà, việc này rất quan trọng vì đây là đội ngũ giúp thực hiện những công việc đầu tiên trong quy trình được chứng nhận CDĐL. Họ cũng là những người trực tiếp bảo vệ, khai thác, phát triển CDĐL trong quá trình sản xuất, thương mại sản phẩm.

“Khi xin chứng nhận CDĐL, nên để hiệp hội là chủ thể đứng đơn, kèm theo công văn xác nhận của địa phương vùng địa lý của sản phẩm” – bà Delphine Marie Vivien nói.

Ông
ÔngPhạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ

Cùng chia sẻ quan điểm của bà Delphine Marie Vivien, ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN - khuyến nghị, để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho chỉ dẫn địa lý, UBND các địa phương nên giao quyền quản lý cho các cơ quan, tổ chức có chức năng để tổ chức hệ thống sử dụng và khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý cho địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển kênh thị trường cho người dân.

Theo ông Đà, tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 CDĐL, trong đó có 60 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài. Số lượng các sản vật được bảo hộ CDĐL, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận khoảng 1.000 sản vật.