Theo các nhà nghiên cứu Anh, nồng độ của HCFC đã đạt đỉnh vào năm 2021 – sớm hơn 5 năm so với dự kiến.
Các nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ tầng ozone đã đạt được thành công lớn trên quy mô toàn cầu, khi các loại khí gây hại cho tầng ozone trong khí quyển đang giảm nhanh hơn mức dự kiến, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí
Nature Climate Change vào ngày 11/6.
Đây là kết quả tích cực kể từ khi Nghị định thư Montreal được ký kết vào năm 1987, nhằm mục đích loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ozone được dùng chủ yếu trong tủ lạnh, điều hòa không khí và bình xịt khí dung.
Theo phân tích của Luke Western tại Đại học Bristol (Anh) và các cộng sự, nồng độ của hydrochlorofluorocarbons (HCFCs), loại khí gây ra lỗ thủng tầng ozone ở tầng bình lưu, đã đạt đỉnh vào năm 2021 – sớm hơn 5 năm so với dự kiến.
Các khí chlorofluorocarbon (CFC) có hại nhất với tầng ozone đã bị cấm sử dụng trên toàn cầu vào năm 2010, trong khi các hóa chất HCFC thay thế chúng dự kiến sẽ bị loại bỏ vào năm 2040. CFC có thể tồn tại trong khí quyển hàng trăm năm, trong khi HCFC có tuổi thọ khoảng hai thập kỷ.
Nguồn: Theguardian, Techtimes
Đăng số 1297 (số 25/2024) KH&PT
Quốc Hùng