Đó là phát hiện lớn nhất trong báo cáo do WWF, TRAFFIC và GlobeScan vừa công bố mang tên “Demand Under the Ban - China Ivory Consumption Research 2019” (tạm dịch: Nhu cầu khi có lệnh cấm - Nghiên cứu tiêu dùng ngà voi Trung Quốc 2019).

Nhóm nghiên cứu phỏng vấn 2.000 người ở 15 thành phố lớn tại Trung Quốc, để tìm hiểu nhận thức của người tiêu dùng về lệnh cấm ngà voi.

Các nhân viên hải quan Trung Quốc đứng bảo vệ trước ngà voi bị tịch thu tại sự kiện phá hủy ngà voi công khai đầu tiên của Trung Quốc năm 2014. Ảnh: National Geographic.

Gần hai năm sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi trong nước, nhu cầu của người tiêu dùng đối với ngà voi dường như giảm với tốc độ ổn định. Tuy nhiên, những người tiêu dùng thường xuyên đi du lịch bên ngoài Trung Quốc đại lục và nhóm “khách hàng trung thành” thì vẫn rất muốn mua ngà.

Tỷ lệ người được cho là đã mua ngà voi trong 12 tháng trước đó ở mức thấp hơn đáng kể so với những năm trước khi cấm; và gần 80% số người được hỏi nói rằng lệnh cấm sẽ ngăn họ mua ngà voi trong tương lai.

Tỷ lệ người có ý định mua ngà voi trong tương lai vẫn duy trì ổn định ở mức 14% như năm 2018, chủ yếu là những người thường xuyên đi ra ngoài Trung Quốc đại lục và nhóm “khách hàng trung thành” - những người ít có khả năng bị ảnh hưởng từ luật pháp hoặc các biện pháp ngăn chặn khác.

Việc mua ngà voi từ các nhà cung cấp ở Trung Quốc đại lục đã giảm, trong khi tỷ lệ người mua trong các chuyến du lịch đã tăng từ 18% năm 2018 lên 27% vào năm 2019. Thái Lan, đặc khu Hồng Kông và Campuchia là những điểm đến được du khách nhắc đến nhiều nhất khi mua các sản phẩm ngà voi bên ngoài Trung Quốc đại lục.

“Người tiêu dùng Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy thương mại ngà voi toàn cầu, hệ quả là một cuộc khủng hoảng săn trộm voi trên khắp lục địa châu Phi bắt đầu khoảng năm 2010. Vai trò của họ rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự gia tăng tội phạm động vật hoang dã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn cá thể voi mỗi năm,” Karen Xue, phụ trách Sáng kiến Ngà voi toàn cầu của WWF, chia sẻ.

Chế tác ngà voi ở Trung Quốc. Ảnh: Africa Geographic.

Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của GlobeScan Wander Meijer nhận xét: “Kết quả của cuộc khảo sát 2019 cho thấy nhu cầu tổng thể đối với ngà voi thấp hơn những năm trước lệnh cấm nhưng không giảm hơn so với 2018. Chúng tôi cũng đã chứng kiến du khách mua ngà voi và cả các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp khác khi đi nước ngoài”.

Giám đốc chương trình của WWF Trung Quốc Zhou Fei chỉ rõ: “Lệnh cấm ngà voi nội địa của Trung Quốc được coi là một nỗ lực mang tính bước ngoặt đối với công tác bảo tồn voi và các nhóm bảo tồn đang hợp tác với chính phủ, với các công ty thương mại điện tử lớn, ngành du lịch và vận tải, và cả công chúng để đảm bảo lệnh cấm thành công. Chúng tôi hoan nghênh việc Singapore và Úc gần đây đã cấm buôn bán ngà voi trong nước và khuyến khích có thêm các quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan và Nhật Bản, đóng cửa thị trường”.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhận biết các chiến dịch bảo vệ voi và chống buôn bán ngà voi đã tăng từ 16% năm 2018 lên 22% năm 2019. Nhân tố hàng đầu tác động đến việc mua ngà là giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của ngà voi. Trong khi đó, nguy cơ tuyệt chủng voi, sự tàn ác của nạn săn trộm và hậu quả pháp lý của việc mua bán vẫn là các yếu tố quan trọng nhất khiến người tiêu dùng phải cân nhắc khi mua ngà.

Nguồn:

PanNature,World Wildlife Fund