Năm 2019 là năm nóng kỷ lục thứ hai trong lịch sử bề mặt hành tinh, theo cả bốn bộ dữ liệu từ các cơ quan khí tượng quốc tế khác nhau.

Các phân tích mới này cũng cho thấy quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu: cả 5 năm qua và thập kỷ qua đều nóng nhất trong 150 năm.

Một nhà khoa học cho biết những kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ hết năm này qua năm khác là "dấu ấn của kỷ nhân sinh", kéo theo những cơn bão, lũ lụt, hạn hán và hỏa hoạn ngày càng nghiêm trọng.

Nhiệt độ tăng cao đang dẫn đến những hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Bốn bộ dữ liệu này do Văn phòng khí tượng của Vương quốc Anh, Đại học East Anglia (UEA), NASA và NOAA ở Hoa Kỳ, và Dịch vụ Thay đổi Khí hậu của Copernicus ở Châu Âu thu thập, là kết quả của nhiều triệu phép đo nhiệt độ bề mặt được thực hiện trên toàn cầu, cả lục địa và đại dương.

Theo đó, nhiệt độ trung bình năm 2019 cao hơn khoảng 1,1 độ C so với mức trung bình từ năm 1850-1900, trước khi quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch quy mô lớn bắt đầu. Các nhà khoa học thế giới đã cảnh báo rằng nếu nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C sẽ làm thời tiết khắc nghiệt hơn đáng kể và ảnh hưởng hàng trăm triệu người.

Đánh giá rủi ro toàn cầu trong thập kỷ tới của Diễn đàn kinh tế thế giới cũng được công bố vào 15/1 mới đây, cho thấy 5 mối nguy hiểm hàng đầu là đều thuộc về môi trường, bao gồm thời tiết khắc nghiệt, không chuẩn bị kịp cho biến đổi khí hậu và phá hủy thế giới tự nhiên.

Mỗi vạch màu đại diện cho nhiệt độ hàng năm từ 1850 đến 2019, màu xanh là những năm mát hơn và màu đỏ càng đậm đại diện cho những năm ấm nhất.

Trong khi các bản ghi nhiệt độ chỉ có từ năm 1850, dữ liệu từ lõi băng cho thấy mức nhiệt độ như ngày nay xuất hiện lần cuối trên hành tinh khoảng 100.000 năm trước. Hơn nữa, mức độ carbon dioxide hiện nay cao nhất trong vài triệu năm qua.

Dự báo của Văn phòng khí tượng Anh về nhiệt độ trung bình toàn cầu cho năm 2020 cho thấy năm nay có thể tiếp tục lập kỷ lục nhiệt độ và rất có thể sẽ nằm trong top 3 năm nóng nhất.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, và nhiều người khác đang kêu gọi các quốc gia tăng mạnh cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon, bởi các cam kết hiện tại sẽ vẫn dẫn đến nhiệt độ toàn cầu tăng tới 3 đến 4 độ C.

"Ngay cả khi chúng ta thành công trong việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C thì đây vẫn không phải mức nhiệt độ an toàn cho thế giới," Bob Ward, thuộc Viện nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu tại Trường Kinh tế học London, nói. "Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải toàn cầu về mức 0 càng sớm càng tốt. Nền kinh tế phát thải bằng không là câu chuyện tăng trưởng của thế kỷ 21."

Nguồn:

https://www.theguardian.com/environment/2020/jan/15/climate-emergency-2019-was-second-hottest-year-on-record

https://www.theguardian.com/australia-news/2020/jan/02/2019-australia-hottest-year-record-temperature-15c-above-average-temperature

https://www.technologyreview.com/s/615035/australias-fires-have-pumped-out-more-emissions-than-100-nations-combined/