Trước đây, nền giáo dục đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới chỉ bao gồm chủ yếu các đại học công lập với sự xuất hiện rất ít hoặc thiếu vắng các đại học tư thục. Nhưng hiện nay, hệ thống giáo dục đại học đã tồn tại song song cả hệ thống trường công lập và trường tư thục với mức độ quan trọng gần như ngang nhau. Điều này đã xảy ra bất chấp sự tăng trưởng chưa từng thấy của số lượng sinh viên đăng ký theo học các đại học công lập. Nó cũng chỉ ra rằng, các chính phủ không thể đáp ứng được nhu cầu tăng cao đối với giáo dục đại học thông qua việc tạo ra các hệ thống đại học công lập.
Ấn Độ có nhiều sinh viên theo học trường tư nhất
Theo một nghiên cứu của Daniel Levy, giáo sư tại Đại học SUNY-Albany (Mỹ), đăng trên tạp chí Higher Educationmới đây, các tổ chức đào tạo tư nhân hiện có 56,7 triệu sinh viên trong danh sách của họ, chiếm 32,9% tổng số sinh viên được tuyển sinh trên toàn thế giới. Đây là nghiên cứu đầu tiên dựa trên dữ liệu toàn diện về quy mô và hình thức giáo dục đại học tư thục quốc tế.
Số sinh viên theo học tại các đại học tư thục chiếm 1/3 tổng số sinh viên toàn cầu. Ảnh: iStock
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số sinh viên theo học các đại học tư thục cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh(48,8%) và châu Á (42,1%), nhưng đại học tư thục không chỉ giới hạn ở một số ít các quốc gia. Theo nghiên cứu, 97,6% tổng số sinh viên được tuyển sinh trên thế giới nằm trong các hệ thống giáo dục có cả trường tư lẫn trường công. Ngoài ra, tất cả các khu vực địa lý trên thế giới đều có ít nhất 10% sinh viên theo học đại học tư thục.
Phân tích của Levy cho thấy, quốc gia có số sinh viên đăng ký vào đại học tư thục nhiều nhất thế giới là Ấn Độ với hơn 12 triệu sinh viên, tương đương 21,9% tổng số sinh viên đăng ký vào các đại học tư thục toàn cầu.
10 quốc gia không có đại học tư thục
Cũng theo nghiên cứu, trong khi 179 quốc gia có cả đại học công lập và tư thục thì chỉ có 10 quốc gia không có đại học tư thục nào. Mặc dù đại học tư thục phân bố khá rộng, nhưng số lượng sinh viên đăng ký theo học các đại học tư thục tập trung chủ yếu ở những khu vực đang phát triển. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên được tuyển vào đại học tư thục tại các nước đang phát triển chiếm 69,8% so với 30,2% ở các nước phát triển.
Mặc dù Mỹ trong quá trình lịch sử đã vượt trội hơn so với phần còn lại của thế giới về quy mô của khu vực tư nhân, nhưng số sinh viên trong các đại học tư thục của quốc gia này chỉ chiếm 27,5% (thấp hơn mức trung bình toàn cầu). Nước Mỹ hiện nay chiếm 1/10 số sinh viên theo học tại các đại học tư thục so với thế giới.
Tương tự, ở Canada, Australia và New Zealand số sinh viên đăng ký theo học các đại học tư thục chỉ chiếm 10,1%; và ở châu Âu là 14,9%.
Giáo dục đại học tư thục cũng có xu hướng tập trung vào các hệ thống giáo dục đại học lớn hơn. Tổng cộng 10 quốc gia có số lượng tuyển sinh đại học lớn nhất - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Brazil, Indonesia, Nhật Bản, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc - chiếm hơn một nửa tổng số sinh viên trên toàn cầu (58,3%), nhưng có tỷ lệ sinh viên theo học các đại học tư thục thậm chí còn cao hơn (69,2%).
“Giáo dục đại học tư thục là không thể tránh khỏi và rất cần thiết vì các đại học công lập không có đủ nguồn lực để đáp ứng quy mô và nhu cầu của sinh viên”, Liz Reisberg, nhà tư vấn và nghiên cứu giáo dục tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế thuộc Boston College (Mỹ), cho biết.