Chỉ sau 3-4 năm đi vào thực tế, Luật Giáo dục Đại học (2012) đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp thực tế do bản chất là giáo dục đại học thay đổi quá nhanh.

Thật ra, sự vận động đó nằm trong quy luật không thể tránh được ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đó là sự chuyển dịch từ giáo dục đại học “tinh hoa” dành cho số ít sang giáo dục đại học “đại chúng” dành cho số đông, xuất phát từ nhu cầu đi học và nhu cầu lao động cần được đào tạo. Thực tế này đòi hỏi quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học cũng phải thay đổi, mà yếu tố quyết định nằm ở chỗ làm rõ được vấn đề tự chủ của các trường
đại học.

TS Phạm Hiệp.

Tự chủ ở đây nên hiểu là tự chủ về thực thi nhiệm vụ. Trách nhiệm của nhà nước là vẫn phải đầu tư cho giáo dục đại học, nhưng sòng phẳng mà nói, hình thức đầu tư đối với giáo dục đại học theo cách bao cấp lâu nay là không hiệu quả do vẫn dựa vào thông tin như chỉ tiêu tuyển sinh, hay mức độ đầu tư các năm trước đó. Trong khi đáng ra việc cấp ngân sách phải theo đấu thầu, nghĩa là, trường nào có kết quả hoạt động tốt hơn thì được ghi nhận và nhận thành quả bằng việc cấp nhiều ngân sách hơn.

Mà hoạt động của một trường đại học tốt hay không, nên căn cứ vào 2 công cụ: kết quả kiểm định chất lượng và mức độ minh bạch thông tin. Kiểm định chất lượng là để đảm bảo mức sàn về chất lượng còn minh bạch thông tin là để cả xã hội nhìn vào mà giám sát. Nhưng minh bạch thông tin ở ta vẫn quá kém. Đến mức một nhóm sử dụng dữ liệu 3 công khai của các trường để xếp hạng thì cả nước không đồng ý bởi lẽ thông tin được công khai quá hẫng hụt, thiếu nhiều bước để làm cho xã hội tin là đúng.

Tôi hình dung, ngoài việc đưa ra bộ chỉ số đầy đủ có cả chỉ số về đầu ra thì các thông tin được công khai nên được gộp chung vào một đầu mối, thể hiện qua một website giống như Foody hay TripAdvisor của giáo dục đại học hoặc một báo cáo chung hằng năm xuất bản công khai để xã hội có thể kiểm tra, đối sánh được.