Một vài liên tưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm, dự kiến được thực hiện từ năm 2018, nhằm đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ từ xấp xỉ 23% hiện nay lên 35% (tương đương khoảng 9.000 tiến sỹ) vào năm 2025.
Ngay khi đọc thông tin về đề án này, tôi bất giác nhớ đến đề án Phát triển ngành công tác xã hội 2010-2020, gọi tắt là đề án 32, đề xuất đào tạo và đào tại lại 35.000 người ở các bậc sơ, trung, cao đẳng và đại học về công tác xã hội. Sau khi có đề án 32, số trường đại học và cao đẳng mở các ngành đào tạo về công tác xã hội từ 2 tăng lên 55, tuyển mỗi năm 3.000 sinh viên hệ chính quy và một con số tương tự cho hệ vừa học vừa làm, đó là chưa kể những người được đào tạo ở các bậc cao hơn.
Rõ ràng là, đề án đã tạo một lượng công ăn việc làm lớn cho ngành đại học và trung học chuyên nghiệp và thu hút được nguồn tài chính từ những gia đình muốn con em mình có một chỗ làm việc trong khối nhà nước.
Trở lại với vấn đề đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam. Thời gian vừa qua, nước ta đã thực hiện một số chương trình đào tạo tiến sỹ, trong đó có chương trình đào tạo 1.000 người học sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh/thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long với kinh phí dự kiến là 49,3 triệu USD từ ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, đến năm 2015 mới có 552 lượt ứng viên được gửi đi đào tạo tại 23 quốc gia, trong đó tỷ lệ đào tạo tiến sỹ chỉ đạt 9% so với mục tiêu ban đầu đặt ra là 20%. Chi phí để đào tạo một thạc sỹ tương đương hơn 34.200USD, so với dự kiến ban đầu là 20.000USD; chi phí đào tạo một tiến sỹ cũng tăng từ 30.000USD theo dự kiến lên 59.100USD.
Mặc dù theo đề án, các ứng viên tham gia chương trình cam kết học xong phải trở về làm việc cho địa phương ít nhất ba lần thời gian đào tạo, nếu không phải bồi thường gấp ba lần số tiền ngân sách bỏ ra cho họ nhưng không ít trường hợp đã tìm cách ở lại nước ngoài hoặc về nước rồi nhưng cố tình thi rớt biên chế để được ra ngoài làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn với mức lương cao.
Giải pháp không tốn kém
Theo một bài báo trên timeshighereducation.com, từ năm 2002, Bộ GD&ĐT đã đề ra mục tiêu 50% đội ngũ giảng viên, cán bộ ở các trường đại học có học vấn sau đại học (thạc sỹ và tiến sỹ). Tầm nhìn như vậy là đúng đắn, nếu coi nghiên cứu như yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên chất lượng một trường đại học. Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm mà Bộ GD&ĐT đang gửi tới các bộ, ngành và các trường để xin ý kiến, tiếp tục kế thừa tầm nhìn đó.
Theo đề án, trong số 9.000 tiến sỹ dự kiến sẽ đào tạo, có tới hơn một nửa - khoảng 5.000 người được đào tạo ở nước ngoài. Đề án chưa nêu cụ thể những ứng viên này sẽ được đào tạo hoàn toàn bằng ngân sách hay chỉ được hỗ trợ một phần; nhưng có một điều đã rõ ràng, nếu không muốn đề án thất bại thì phải đưa được những người mà đề án gửi đi đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc.
Các quan sát từ thực tế cho thấy, đến nay, phần lớn các du học sinh tự túc hoặc du học sinh nhận học bổng tài trợ của các tổ chức nước ngoài đã không chọn phương án về nước. Nguyên nhân chính là họ không tìm thấy ở trong nước môi trường làm việc như kỳ vọng, tức là một môi trường chuyên nghiệp, minh bạch, cạnh tranh công bằng và mức lương phù hợp.
Từ thực tế đó, dễ dẫn đến suy luận rằng, để lôi kéo du học sinh trở về chỉ còn cách cấp học bổng cho họ (đương nhiên đi kèm với những điều kiện về cống hiến) hoặc cho họ vay tiền đi học. Nhưng nếu cách đầu dễ vấp phải phản ứng tiêu cực của người đóng thuế trong bối cảnh hiện nay nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, thì cách sau lại khó khả thi do mức lương thực tế của tiến sỹ sau khi về nước không đủ cao để trả nợ. Đó là chưa kể, cấp học bổng cũng không đảm bảo được 100% số du học sinh sẽ quay về, như câu chuyện mà chương trình đào tạo nhân lực sau đại học ở nước ngoài cho Đồng bằng sông Cửu Long vừa kể cho chúng ta.
Trong khi đó, có một phương án khả dĩ nhưng lại chưa được đề cao, đó là để các trường đại học tuyển tiến sỹ từ thị trường lao động trong nước và quốc tế theo đúng nhu cầu của họ. Khi đó, việc duy nhất Nhà nước phải làm là tạo khung pháp lý để các trường có môi trường làm việc tự do học thuật và có cơ chế tài chính linh hoạt, nhờ đó sẽ thu hút được đủ nguồn lực tài chính để trả lương xứng đáng cho các tiến sỹ.
Được như vậy, theo tôi, thì muốn bao nhiêu tiến sỹ cũng có. Nói cách khác, chỉ cần Nhà nước tạo ra chính sách bảo đảm tự chủ ở mức cao nhất có thể cho các trường đại học thì việc cần đào tạo bao nhiêu tiến sỹ và bằng cách nào không còn là vấn đề nữa. Và quan trọng hơn, người dân sẽ không phải tốn thêm đồng thuế nào cho những tiến sỹ mà họ không biết chắc có trở về nước hay không, sau khi được gửi ra nước ngoài đào tạo bằng tiền thuế của họ.
Tài liệu tham khảo:
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/de-an-12-000-tydao-tao-9-000-tien-si-phuc-vu-doi-moi-giao-duc-410079.html
http://sldtbxh.khanhhoa.gov.vn/Resources/Docs/Bao%20tro%20xa%20hoi/Quyetdinh32.2010.QD-TTg.pdf
http://laodongxahoi.net/ket-qua-6-nam-thuc-hien-de-an-phattrien-nghe-cong-tac-xa-hoi-va-nhiem-vu-giai-doan-toi-1305750.html
https://www.timeshighereducation.com/news/vietnamesestudents-snubbed-on-return-home/169415.article
https://markashwill.com/2015/12/01/why-do-vietnamesestudents-refuse-to-return-home-after-studying-abroad/ |