Không gian sáng chế mới này nằm trong khuôn viên Đại học Đà Nẵng, vừa được nhà trường và Đại học bang Arizona, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức khai trương.
Nơi thử nghiệm công nghệ mới
TS Nguyễn Bá Hội - quyền Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Đại học Đà Nẵng - cho biết, không gian sáng chế được trang bị máy in 3D, máy cắt laser, phần mềm thiết kế tiên tiến, xưởng gỗ... Hệ thống này sẽ giúp các giảng viên, sinh viên trau dồi kỹ năng sáng chế, thử nghiệm công nghệ mới cũng như các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức trong phát triển của cộng đồng.
“Là không gian sáng chế phục vụ sinh viên sáng tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) đầu tiên của miền Trung được đầu tư và đi vào hoạt động, chúng tôi tin tưởng tại đây, sinh viên Đà Nẵng nói riêng, sinh viên miền Trung nói chung sẽ được truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ niềm đam mê KH&CN, cho ra đời những công trình có tính ứng dụng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội” - GS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng - tin tưởng.
Không gian sáng chế nằm trong khuôn khổ dự án Liên minh thúc đẩy hợp tác trường đại học và doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ (Build-it) - một dự án kéo dài 5 năm do USAID tài trợ với mục tiêu giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống giáo dục trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM).
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (ngoài cùng, bên trái) tham quan không gian sáng chế Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Hạnh
Với đối tác là 16 tập đoàn công nghệ cao, 16 trường đại học và với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, dự án đang giúp cải thiện chính sách về giáo dục đại học, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa trường đại học với khu vực tư nhân và hiện đại hóa các chương trình đào tạo của Việt Nam trong lĩnh vực STEM.
Trước đó - vào tháng 6, dự án Build-it của USAID đã mở không gian sáng chế đầu tiên tại Khu công nghệ cao tại TPHCM. Thông qua việc mở các không gian sáng chế, USAID mong muốn hỗ trợ sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp có thể đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghệ. Điều này nhất quán với những nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện để cải cách nền kinh tế theo chiến lược đến năm 2035.
Hoàn thiện sáng chế thành sản phẩm
TS Nguyễn Bá Hội cho biết, không gian sáng chế Đà Nẵng đặt ra tầm nhìn tới năm 2020 sẽ có khoảng 20.000 người sử dụng hiệu quả, tạo ra được sản phẩm mới, trước hết phục vụ đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, miền Trung.
“Tại đây, giảng viên, sinh viên sẽ được làm việc cùng với nhà tư vấn của các hãng công nghệ, từ đó biết được nhu cầu thực tế. Các bạn cũng sẽ được làm đa ngành với nhau. Ví dụ sinh viên kinh tế làm chung với bách khoa, xây dựng làm với điện tử, cơ khí làm cùng công nghệ thông tin. Sự kết hợp này là để tạo ra sản phẩm có ý nghĩa, phục vụ đời sống” - TS Hội nói.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các tập đoàn nước ngoài, các giảng viên, sinh viên sử dụng máy móc tại không gian sáng chế này sẽ được trợ giá phần lớn chi phí, chỉ phải trả một phần nhỏ để tăng trách nhiệm giữ gìn, bảo quản thiết bị.
“Trước mắt, không gian sáng tạo sẽ huấn luyện cho các thầy cô giáo, sau đó các thầy cô phổ biến với sinh viên. Sau khoảng 6 tháng tới 1 năm, khi không gian đi vào hoạt động ổn định mới tính đến việc đón người sử dụng đơn lẻ. Hiện nay, việc nhận các cá nhân đơn lẻ không phải là giáo viên, sinh viên vào sử dụng theo kiểu dịch vụ chưa được tính tới vì chi phí vận hành máy móc rất tốn kém. Ngoài ra còn phải có đội ngũ chuyên gia hướng dẫn, người sử dụng đơn lẻ sẽ không gánh nổi chi phí” - ông Hội chia sẻ.
Nói về kỳ vọng khi không gian sáng chế đi vào vận hành, TS Hội cho biết: “Trước mắt chúng tôi mong muốn khoảng cách giữa năng lực của sinh viên tốt nghiệp đại học với nhu cầu người sử dụng nhân lực sẽ rút ngắn nhất có thể; sau đó là mong các công ty lớn sẽ vào đây xây thêm không gian sáng chế để phục vụ các bạn trẻ, các thầy cô, các nhà sáng chế làm startup. Chúng tôi kỳ vọng thông qua không gian này, họ có thể tạo ra sản phẩm thực tế phục vụ cho xã hội, biến ý tưởng, sáng chế của họ thành sản phẩm áp dụng vào thực tế”.