Các nhà khoa học tại Đại học Stanford (Mỹ) phát hiện con người già đi nhanh hơn đáng kể ở hai cột mốc 44 và 60 tuổi.

Điều này có thể lý giải sự gia tăng đột biến của một số vấn đề sức khỏe, bao gồm các bệnh liên quan đến cơ bắp, xương khớp và tim mạch ở một số độ tuổi nhất định. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature Aging vào ngày 14/8.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 11.000 phân tử sinh học (RNA, protein, lipid, vi khuẩn đường ruột,...) trong cơ thể của 108 tình nguyện viên xuất thân từ nhiều dân tộc khác nhau trong độ tuổi từ 25 đến 75 tuổi. Cứ ba đến sáu tháng [trong thời gian 7 năm], các nhà khoa học lại thu thập mẫu máu của những người tham gia để đánh giá nhiều yếu tố khác nhau – chẳng hạn như hoạt động của gene và lượng đường trong máu– thay đổi như thế nào theo thời gian.

Họ phát hiện khoảng 81% các phân tử mà họ nghiên cứu trải qua những thay đổi đáng kể ở hai độ tuổi trung niên, 44 và 60 tuổi.

Cụ thể, những người khoảng 44 tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ trong các phân tử liên quan đến quá trình chuyển hóa chất béo, caffeine, rượu, dễ gây ra một số bệnh tim mạch. Trong khi đó, những người 60 tuổi có sự thay đổi các phân tử liên quan đến hệ miễn dịch, chuyển hóa carbohydrate và chức năng thận. Các phân tử liên quan đến lão hóa da và cơ thay đổi nhanh chóng ở cả hai độ tuổi nói trên.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết tại sao thành phần hóa học của cơ thể lại thay đổi đáng kể ở hai độ tuổi này.

Nguồn: Livescience, Theguardian