Vào cuối tháng 6, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã hợp tác với Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk nhằm triển khai các phương án tối ưu để khai tử Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2030.
Trong bản hợp đồng trị giá 843 triệu USD, NASA đã yêu cầu SpaceX thiết kế tàu vũ trụ “US Deorbit Vehicle” có khả năng đưa Trạm vũ trụ quốc tế trị giá 150 tỷ USD rời khỏi quỹ đạo một cách an toàn và khiến nó bốc cháy trong bầu khí quyển của Trái đất ở nhiệt độ 1.649ºC.
Nếu bất kỳ mảnh vỡ nào rơi xuống bề mặt Trái đất, nó có thể sẽ đâm xuống một khu vực xa xôi của Thái Bình Dương với tên gọi Point Nemo – nơi được mệnh danh là “nghĩa trang tàu vũ trụ”.
Hiện nay, NASA đang chi hơn 3 tỷ USD mỗi năm cho chương trình trạm vũ trụ ISS, trong đó 1,3 tỷ USD dành cho các hoạt động trên trạm và gần 1,8 tỷ USD cho việc vận chuyển phi hành đoàn và hàng hóa.
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã liên tục hoạt động trong suốt 26 năm qua, và tuổi tác của nó đang bắt đầu lộ rõ khi xuất hiện các vết nứt và rò rỉ. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định kéo dài thời gian hoạt động của trạm ISS từ năm 2024 đến năm 2030.
ISS là biểu tượng của sự hợp tác quốc tế và tiến bộ khoa học trong lĩnh vực thám hiểm không gian. ISS có kích thước lớn hơn một sân bóng đá và nặng gần 450 tấn. Đây là dự án hợp tác giữa Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga và 11 quốc gia ở châu Âu. Những module đầu tiên của trạm ISS được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Proton của Nga vào tháng 11/1998. Kể từ đó đến nay, hàng trăm nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia đã đến ISS và thực hiện hơn 3.300 nghiên cứu khác nhau.
Nguồn: Livescience, UPI
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch