Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào ngày 15/8, hơn 4 tỷ người trên thế giới đang sử dụng nước uống không an toàn, gấp đôi ước tính trước đây (2,2 tỷ người) trong Báo cáo Phát triển Nguồn nước Thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cũng đặt ra câu hỏi về việc con số nào phản ánh chính xác hơn tình hình thực tế, đồng thời làm nổi bật sự thiếu hụt nghiêm trọng về dữ liệu chất lượng nước uống của người dân.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ đã khảo sát 64.723 hộ gia đình ở 27 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020. Quá trình khảo sát đánh giá dựa trên bốn tiêu chí (nguồn nước được cải thiện theo thời gian, luôn có sẵn, dễ tiếp cận, không bị ô nhiễm), và nếu hộ gia đình không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào trong số đó, họ được xếp vào nhóm không có nước uống an toàn.

Từ dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã huấn luyện một thuật toán máy học (machine-learning) kết hợp với dữ liệu không gian địa lý toàn cầu – bao gồm các yếu tố như nhiệt độ trung bình khu vực, thủy văn, địa hình và mật độ dân số – để đánh giá tình trạng khan hiến nước tại các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả cho thấy hơn một nửa dân số thế giới (4,4 tỷ người) không có nguồn nước uống sạch và dễ tiếp cận. Gần một nửa trong số họ sống ở khu vực Nam Á và châu Phi cận Sahara. Họ thường xuyên tiếp xúc với các nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Escherichia coli.

Tình trạng khan hiếm nước ngày càng tăng đang gây ra nhiều bất ổn và làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột và di cư trên toàn cầu. Nó khiến điều kiện sống của người dân bị xuống cấp, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và rủi ro sức khỏe tăng cao.

Nguồn: Nature.com

Đăng số 1306 (số 34/2024) KH&PT