Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, dân số Trung Quốc có thể bắt đầu giảm từ năm nay, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 17/1.

Dữ liệu cho thấy, năm 2021, tỷ suất sinh của Trung Quốc giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 7,52 trên 1.000 người. Dựa trên dữ liệu mới, các nhà nhân khẩu học ước tính tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc - số con mà một người sẽ sinh trong suốt cuộc đời - giảm xuống chỉ cònkhoảng 1,15 - vào dạng thấp nhất trên thế giới và chỉ bằng một nửa tỷ suất sinh thay thế (mức sinh đủ để duy trì dân số ổn định là 2,1).

Cha mẹ đeo khẩu trang cho con bên ngoài nhà ga Bắc Kinh. Rất ít cặp vợ chồng Trung Quốc cảm thấy có động lực sinh con thứ hai.

Sự chuyển dịch từ tăng trưởng dân số sang suy giảm dân số diễn ra nhanh đến đáng kinh ngạc. Chỉ vài năm trước, các chuyên gia còn dự đoán rằng dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cho đến khoảng năm 2027. Và ngay năm ngoái, khi Trung Quốc công bố dữ liệu từ cuộc điều tra dân số năm 2020, cơ quan thống kê vẫn kết luận tổng tỷ suất sinh ở mức 1,3.

Trước kia, chính phủ Trung Quốc vẫn thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát dân số. Nhưng gần đây,nước này phải chuyển sang khuyến khích sinh con, vì lo ngại dân số ngày càng giảm và già hóa nhanh sẽ làm quá tải hệ thống lương hưu và các dịch vụ xã hội, đồng thời dẫn đến suy giảm kinh tế và địa chính trị. Năm 2016, Trung Quốc chấm dứt chính sách một con khét tiếng, và cho phép tất cả các cặp vợ chồng có hai con. Tháng 5/2021, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh đến ba con. Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu trợ cấp tiền mặt hằng tháng cho các cặp vợ chồng sinh con thứ hai và thứ ba.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các chính sách khuyến khích này vẫn là quá ít và quá muộn màng. Do phần lớn dân số phải làm việc quá sức và được trả lương thấp, hỗ trợ xã hội thì ở mức tối thiểu, lập gia đình hoặc sinh thêm con không phải là ưu tiên lớn nhất của họ, Yong Cai, nhà nhân khẩu học tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, nói.

Theo thống kê, 65% dân số Trung Quốc hiện đang sống ở thành thị, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2020. Những người chuyển đến các thành phố thường đang trong độ tuổi sinh sản, nhưng điều kiện sống chật chội, chi phí sinh hoạt và giáo dục cắt cổ ở đô thị đều “khiến mọi người không sẵn sàng sinh con thứ hai, chứ chưa nói đến việc sinh con thứ ba”, theo Wei Guo, nhà nhân khẩu học ở Đại học Nam Kinh.

Tuy nhiên, một số nhà nhân khẩu học nói rằng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang bị thổi phồng quá mức. “Trung Quốc chắc chắn đang già đi," Stuart Gietel-Basten, nhà nhân khẩu học ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết. “Nhưng dân số Trung Quốc cũng đang trở nên khỏe mạnh hơn, có trình độ học vấn và kỹ năng tốt hơn, thích nghi hơn với công nghệ." Do đó, các chính sách khuyến khích đào tạo suốt đời, nâng cao năng suất và đảm bảo dân số vẫn khỏe mạnh khi về già có thể có tác động lớn hơn là cố gắng tăng tỷ suất sinh.

Nguồn: